Cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo mới
Trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện kiểu lừa đảo mới: kẻ gian gọi điện tự xưng là công an, kiểm sát viên và đề nghị người dân nộp tiền vô tài khoản mà chúng cho sẵn để giải quyết một vấn đề liên quan. Có người nghi ngờ cảnh giác nhưng có người không đủ lý trí để nhìn nhận đúng sai, trở thành nạn nhân. Ghi nhận ban đầu, tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt khoảng 700 triệu đồng.
Ảnh minh họa, nguồn: cand.com.vn
Mấy ngày nay, bà Chu Thị T. (72 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) cứ buồn rầu, tự trách mình vì đã nghe theo lời kẻ xấu nên mất hết số tiền 100 triệu đồng bấy lâu ky cóp.
Bà nhớ lại, buổi trưa 24.4 vừa qua, có một thanh niên nói giọng Bắc gọi vào điện thoại bàn, tự xưng là điều tra viên của Bộ Công an đang phối hợp với Công an tỉnh Bình Định điều tra đường dây mua bán ma túy, trong đó đối tượng khai toàn bộ số tiền do mua bán ma túy có được đã gửi hết cho bà, nên cần xác minh. Người này từ gằn giọng hù dọa đến nhẹ nhàng trấn an, rằng vụ án còn đang bí mật điều tra nên mong bà tích cực hợp tác, mọi thông tin đã trao đổi không được tiết lộ với ai. Sau khi biết bà có 100 triệu đồng đang gửi tiết kiệm, đối tượng đã cho số tài khoản tại một ngân hàng ở Hà Nội và yêu cầu bà chuyển toàn bộ số tiền để chúng kiểm tra, nếu không có vấn đề gì bất minh sẽ cho người đến nhà làm việc trực tiếp và chuyển trả lại tiền. Đối tượng còn căn dặn bà không tiết lộ thông tin chuyển tiền cho bất cứ ai, kể cả cán bộ ngân hàng. Bà T. bất ngờ về điều này nhưng cũng cảm thấy bất an nên đã rút hết số tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản mà chúng cho sẵn. Gửi xong, bà chờ mãi nhưng không thấy ai đến nhà. Nghi ngờ, bà ra ngân hàng nhờ kiểm tra thì tài khoản mà bà chuyển tiền đã bị khóa.
Trước đó, ngày 21.4, chị Nguyễn Kim Quan Đ. (KV 8, phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn) đang ở nhà thì một phụ nữ gọi đến điện thoại bàn, tự giới thiệu tên, chức vụ, đơn vị công tác và cho biết đang điều tra vụ án rửa tiền liên quan đến chị Đ., đồng thời yêu cầu chị phải gửi 130 triệu đồng vào tài khoản mà chúng cho sẵn để được xem xét giúp đỡ. Chị Đ. cảm thấy lo lắng bởi trong công việc làm ăn của mình không sao tránh khỏi những lúc chi tiêu “ngoài luồng”. Thế là chị đến ngân hàng chuyển số tiền mà đối tượng yêu cầu. Chỉ đến khi hoàn hồn, cảm giác như mình bị lừa, chị Đ. đến ngân hàng yêu cầu rút lại tiền thì được biết tài khoản nhận tiền đã khóa.
Ở huyện Hoài Ân cũng đã có 2 trường hợp, một là giáo viên, một là nông dân, bị các đối tượng gọi điện thoại tự xưng là điều tra viên, kiểm sát viên cao cấp tương tự như những trường hợp ở trên và yêu cầu nộp tiền. Có người “yếu vía” đã đến ngân hàng làm thủ tục để chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng cho sẵn nhưng đã kịp “định thần” nên chưa bị mất.
Hiện nay, số nạn nhân bị lừa với phương thức và thủ đoạn như thế tăng lên rất nhiều. Như anh Q., giáo viên ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) bị lừa mất 330 triệu đồng; chị H., giáo viên ở Hoài Phú (Hoài Nhơn) định chuyển 80 triệu đồng nhưng được người thân biết nên can ngăn kịp thời; chị H., giáo viên ở xã Cát Tân (Phù Cát) bị lừa 90 triệu đồng, anh H. ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) mất 30 triệu đồng.
Đại tá Trương Minh Ngọc, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: Những ngày gần đây, nhiều người dân bị các đối tượng tự xưng là điều tra viên của Bộ Công an gọi điện thông báo có liên quan đến đường dây tội phạm mua bán ma túy, đe dọa và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để được xem xét giúp đỡ. Một số người cảnh giác, gọi điện đến cơ quan điều tra phòng, chống ma túy để hỏi rõ thì mới biết đó chỉ là thủ đoạn của tội phạm lừa đảo.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đang tập hợp thông tin và phối hợp với công an các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác để khỏi bị lừa mất tiền.
TẤN TÀI