Ðảm bảo an toàn giao thông đường sắt: Cần nâng cấp các đường ngang
Tình hình TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến khá phức tạp, cần có các giải pháp cấp bách và hiệu quả để ngăn ngừa.
Đoàn công tác của Cục Đường sắt Việt Nam khảo sát một đường ngang qua đường sắt trên địa bàn huyện Tuy Phước.
Theo thống kê, TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng cả về số vụ lẫn số người chết: Năm 2015 xảy ra 7 vụ, làm chết 5 người, bị thương 4 người; năm 2016 xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người, bị thương 2 người; từ đầu năm 2017 đến nay xảy ra 3 vụ, làm chết 7 người, bị thương 2 người. Đáng chú ý, trong tổng số trên 146 km đường sắt đi qua địa bàn tỉnh, thì tại cung đường Diêu Trì - Vân Canh chỉ dài 37,8 km nhưng đã xảy ra 10 vụ TNGT đường sắt kể từ năm 2015 đến nay.
Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn nói trên vẫn là ý thức tuân thủ các quy định đảm bảo ATGT đường sắt của người dân còn kém. Bên cạnh đó còn là bởi kết cấu hạ tầng hệ thống đường sắt còn nhiều bất cập như: Giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn quá nhiều, đặc biệt là đường ngang dân sinh bất hợp pháp; các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, phân tích thêm: “Diễn biến của TNGT đường sắt không theo một quy luật nào. Như từ đầu năm đến nay thì tai nạn xảy ra tại các đường ngang, năm 2016 xảy ra chủ yếu ở những khu vực không có lối đi, còn năm 2015 thì lại xảy ra tại các đường dân sinh, lối đi dân sinh. Và qua thống kê thì có đến 80% số vụ TNGT đường sắt xảy ra không phải do người dân sống quanh khu vực đường sắt mà là người ở địa phương khác tới”.
Do vậy, vấn đề đặt lên hàng đầu là cần nâng cấp đường ngang từ đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động có cần chắn, xây dựng hệ thống đường gom, cắm cọc tiêu tại những đoạn đường ngang có mật độ dân cư cao.
Đây cũng chính là lý do ngày 26.4 vừa qua, đoàn công tác của Cục Đường sắt Việt Nam đã có chuyến khảo sát tại một số đường ngang trên địa bàn huyện Tuy Phước, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn, tập trung xem xét các vấn đề: Xác định tầm nhìn từ hai phía đường bộ và đường sắt; đèn, chuông báo hiệu, độ dốc giữa đường bộ và đường sắt; hạ tầng đường bộ đoạn đi vào đường sắt từ hai phía.
Cùng tham gia chuyến công tác, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, để giảm thiểu TNGT đường sắt một cách căn cơ, ngành đường sắt sẽ khảo sát toàn bộ đường ngang dân sinh, kiểm tra toàn bộ đèn hiệu, biển cảnh báo, cần chắn. Và để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt một cách hiệu quả, cần có sự hỗ trợ tích cực từ các địa phương có đường sắt đi qua. Ông Cảnh đơn cử, tại huyện Vân Canh có 4 vị trí đường ngang dân sinh Công ty đã tiến hành rào, thu hẹp để đảm bảo ATGT đường sắt, nhưng người dân vẫn tự ý mở ra. Đối với việc đầu tư xây dựng rào cách ly, đường gom trên các cung đường sắt thuộc thôn Mỹ Điền, xã Phước Lộc (Tuy Phước); thôn Kiều An, xã Cát Tân (Phù Cát); thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu - thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), Tổng công ty đã có kế hoạch gửi các công ty dọc tuyến rà soát, thống kê để tiến hành làm trong thời gian tới.
Ông Cảnh khẳng định, mục tiêu của ngành từ nay đến năm 2020 là tất cả các đường ngang hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bình Định đều có ít nhất là cảnh báo tự động có cần chắn, loa, hoặc đường ngang có gác. Công ty cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan khảo sát lại tổng thể các khu dân cư để bố trí làm đường gom (bỏ các lối đi dân sinh) vừa đảm bảo an toàn vừa hợp lý. Riêng trong năm 2017 này, Công ty sẽ đầu tư lắp thêm cần chắn tại 10 đường ngang đã có cảnh báo tự động nhằm tăng hiệu quả cảnh báo an toàn cho người dân.
KIỀU ANH