“Cõng cơm” nuôi trẻ vùng cao đi học mẫu giáo
Chúng ta vẫn thường nghe cụm từ “cõng chữ lên non” để nói về nỗi khó khăn, vất vả và lòng yêu nghề của những thầy cô giáo đem cái chữ đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhưng “cõng cơm lên ngàn” nuôi, dạy trẻ vùng cao học bán trú có lẽ là việc ít ai làm. Vậy mà, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mẫu giáo An Quang, huyện An Lão lại làm được.
Cô Thái Thị Xuân Hương (giữa) và các cháu trong một bữa ăn.
Trường Mẫu giáo An Quang chính thức được thành lập vào tháng 8.2007, có 4 lớp với khoảng 100 cháu là người dân tộc Hre. Cô Thái Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường kể: “Trước đây trường chỉ dạy một buổi/ngày. Sáng trẻ đến trường, trưa về cơm rau qua quýt, bữa đói, bữa no không ai chăm sóc vì phần nhiều mẹ cha đi làm cả ngày trên nương rẫy. Chiều không đến trường, trẻ thường rủ nhau ra sông, suối đùa nghịch nguy hiểm lắm. Những hình ảnh đó luôn trăn trở, thôi thúc khiến cô và nhà trường suy nghĩ phải làm thế nào để có được một bếp ăn bán trú, góp phần chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của các cháu cùng gia đình!”.
Năm học 2012 - 2013, được sự đồng thuận của Phòng GD&ĐT, Trường Mẫu giáo An Quang mở lớp Mẫu giáo bán trú tại thôn 2, đây cũng là lớp bán trú đầu tiên ở 7 xã vùng cao của huyện An Lão.
Ngày đó, bên cạnh những phụ huynh nhiệt tình ủng hộ việc học bán trú, thì vẫn có những gia đình không thể gửi con vì không đủ tiền nộp ăn trưa và quà xế 10.000 đồng/ngày/cháu. Trước tình cảnh đó, cô Hương chỉ đạo và cùng chị em phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, giải thích cho bà con những thiệt hơn của việc gửi trẻ cả ngày. Rồi lại “uyển chuyển” trong việc thu phí; nếu cha mẹ không đủ tiền nộp một lần, cô giáo có thể thu nhiều lần. Thậm chí phụ huynh khó khăn quá, cô giáo sẵn sàng cho mượn...
Sự cần mẫn, tận tâm của các cô đã thuyết phục được đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy đến nay phụ huynh đã vui vẻ đưa con đến trường, lớp học râm ran từ sáng đến chiều. Cô Phan Thị Kim Loan, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Lớp học thành công, không chỉ phụ huynh học sinh, mà cả chính quyền xã cũng vui mừng. Nhưng vui nhất là chúng tôi, chúng tôi đã biến sự vất vả thành niềm vui. Ước mơ bấy lâu đã thành sự thật.
Trẻ được học bán trú, ngày 2 buổi ở trường, cha mẹ gửi con cả ngày, yên tâm lao động, sản xuất. Đặc biệt, từ khi học bán trú tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể; trẻ được tập nói tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi trong ngày với cô, với bạn và được rèn kỹ năng sống; tỉ lệ Bé ngoan, Bé chuyên cần ngày càng tăng, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tiếng lành đồn xa, thế là phụ huynh ở các điểm trường xa hơn như thôn 3, thôn 4 cũng đề nghị cho con học bán trú. Bàn tính mãi, đến năm học 2013-2014, mới tìm được phương án vận chuyển thức ăn từ điểm trường chính đến các điểm lẻ cho trẻ ăn hàng ngày bằng xe máy. Thế rồi, từng ngày, từng ngày các cô miệt mài “cõng cơm” lên các điểm trường xa nuôi trẻ.
Trước khai giảng năm học 2016-2017, còn một lớp học ở thôn 5 - cách trường chính hơn 10 km - vẫn chưa được học bán trú. Điều này khiến các cô hết sức áy náy, cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Đầu năm học 2016-2017, nhà trường hợp đồng giáo viên và cấp dưỡng là người địa phương; mỗi sáng một cô đến lớp sớm đón cháu, một cô ghé trường chính nhận thực phẩm mang lên; bếp nấu thì nhân dân góp công xây dựng.
Vậy là mong ước một lớp bán trú cuối cùng đã thành hiện thực, niềm vui được nhân lên, tiếng trẻ ê a vang một góc rừng… 100% lớp học Mẫu giáo An Quang, với lứa tuổi từ 3-5 tuổi đã thành Mẫu giáo bán trú, còn gì vui hơn. Nói không ngoa, đó là những chuyến xe chở cả yêu thương, chở niềm hạnh phúc từ điểm trường chính đến với trẻ vùng cao!
ÐỨC PHÚ