Hoài Thanh - đất anh hùng
Chúng tôi về Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) trong những ngày tháng Tư lịch sử này. Bây giờ, mảnh đất gắn với nhiều sự kiện hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ đang vươn lên mạnh mẽ.
Ðất anh hùng
Mặc dù chiến tranh đã đi qua non gần 1/2 thế kỷ, nhưng nhiều người vẫn còn nhớ đến Trường Lâm - nay là địa bàn của 4 thôn: Trường An 1, Trường An 2, Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2 - mảnh đất gắn liền với những năm tháng hào hùng của thời chống Mỹ đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của nhân dân xã Hoài Thanh. Gò Dương, gò Gai, gò Tháp, gò Mun, gò Nghiêm, Hòn Nhọn... mỗi địa danh đều gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Hoài Thanh.
Một góc nông thôn Hoài Thanh hôm nay. Ảnh: D.B.S
Cũng chính trên mảnh đất này, tháng 8.1969, tại nhà bà Lê Thị Đặng (Trường Lâm), Đội du kích quyết tử mang tên Chim Én được thành lập với những trận đánh khiến quân thù bở vía - những đội viên mà sau này đã trở thành những người con anh hùng của đất mẹ Hoài Thanh như: Phạm Thị Đào, Võ Thị Huy, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Trọng, Võ Văn Phước...
Thời đó, địch coi Trường Lâm là “làng cộng sản chìm” nên đã dùng bom đạn biến mảnh đất này thành bình địa để du kích và quân giải phóng không còn nơi trú ẩn. Nhiều trận chiến ác liệt đã diễn ra tại đây, gắn với những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Do nhiều lần thất bại thảm hại, địch điên tiết dội xuống mảnh đất này hàng trăm tấn bom đạn. Đất Hoài Thanh đỏ rực lửa chiến tranh, nhưng người dân vẫn kiên gan bám trụ quê hương, giữ vững phong trào cách mạng. Với những chiến công đó, cuối năm 1970 thôn Trường Lâm được phong tặng danh hiệu “Thôn Thành Đồng”. 3 năm sau, ngày 20.12.1973, xã Hoài Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hoài Thanh có trên 780 liệt sĩ, 179 Mẹ Việt Nam anh hùng (có 21 mẹ còn sống), 715 thương binh và hơn 1.000 gia đình có công cách mạng. Thật là một sự hy sinh, cống hiến vô cùng to lớn.
Vững bước đi lên
Ông Đinh Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Thanh, tự hào cho biết: “Trước đây, người ta bảo rằng đất Hoài Thanh nói chung, Trường Lâm nói riêng, trồng mì thì phải dùng chồ gỗ đóng hom mới cắm vào đất được. Bởi vùng đất này có trên 20 gò đồi toàn sỏi và đá ong dày đặc, lại bị bom đạn chiến tranh cày đi, xới lại nhiều lần, đất đai vốn đã bạc màu lại càng thêm khô cằn, hoang hóa. Song, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hoài Thanh hôm nay đã khoác lên mình một tấm áo xanh bạt ngàn của keo lai, đào ghép, những vườn tiêu và những vườn dừa…, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực”.
Ông Nguyễn Văn Tần, Trưởng thôn Lâm Trúc 2, tâm sự: “Phần lớn dân Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2 sống chủ yếu bằng nghề biển, nuôi trồng thủy sản và làm một số dịch vụ như buôn bán xăng dầu, nước đá, chế biến nước mắm, sửa chữa tàu thuyền. Hoài Thanh hiện có 201 tàu cá, tổng công suất trên 95.000 CV, trong đó có 8 tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/CP, sản lượng khai thác đạt khoảng 7.500 tấn hải sản/năm.
Chủ tịch UBND xã Hoài Thanh Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm: “Thời gian qua, KT-XH ở địa phương phát triển khá mạnh mẽ, đời sống của nhân dân được cải thiện. Hiện có 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia, 80% hộ có nhà xây từ cấp 4 trở lên và các phương tiện nghe nhìn, 96,29% dân số được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện”.
Trong phát triển kinh tế, xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình vỗ béo bò, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung có giá trị kinh tế cao như cây tiêu, dừa xiêm xanh, hoa thiên lý…
Toàn xã hiện có 227 cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh, như đóng tàu, chế biến gỗ, sản xuất nước đá, nước mắm, bún số 8, bánh tráng nước dừa… giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đến cuối năm 2016 đạt 27 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9%. Xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí nông thôn mới và đang nỗ lực về đích vào cuối năm nay.
DIỆP BẢO SƯƠNG