An nhiên tuổi già
Biết cách giữ gìn sức khỏe, tạo niềm vui cho mình, chủ động về kinh tế, sống chan hòa với mọi người sẽ khiến cuộc sống của người già không nhàm chán mà thêm phần ý nghĩa. Và như thế, mỗi người sẽ thật sự tận hưởng cuộc sống, chứ không phải là “sống thêm”, “sống thừa”.
“Già duyên, già dáng, già đáng đồng tiền”
Lần đầu gặp mặt, chẳng ai nghĩ ông Đặng Ngọc Minh (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đã tròn tuổi thất thập, bởi vẻ bề ngoài trẻ trung, khỏe khoắn, cử chỉ hoạt bát, nhanh lẹ. Một trong những bí quyết của ông là duy trì đam mê với bóng bàn. Ông chơi bóng bàn khi còn đi làm, nghỉ hưu 10 năm rồi nhưng ngày nào cũng cầm vợt. Từ CLB Bóng bàn ở Công ty In Nhân Dân Bình Định, ông chuyển sang sinh hoạt ở CLB Hưu trí TP Quy Nhơn. Ngày nắng cũng như mưa, chiều nào ông cũng đi xe máy từ Nhơn Phú xuống nội thành “dợt” vài trận. “Cơ thể khỏe mạnh thì bệnh tật nào đụng mình được!”, ông cười lớn.
Các thành viên CLB Hưu trí TP Quy Nhơn tập bóng bàn mỗi ngày. Ảnh: MAI LÂM
CLB Hưu trí TP Quy Nhơn hiện có trên 400 thành viên, tham gia sinh hoạt thường xuyên vào buổi sáng có trên 50 người, buổi chiều gần 100 người. Các môn văn nghệ - thể thao đều có đủ. “Không chỉ luyện tập rèn luyện sức khỏe, các cụ còn đọc sách báo để biết tin tức thời sự, chia sẻ cùng nhau chuyện vui chuyện buồn. Tất cả cùng vui, vui vẻ là khỏe người ra!”, Chủ nhiệm CLB Nguyễn Công Trình chia sẻ.
Mỗi người có một cách khác nhau để sống chung sống vui với tuổi già. Đến giờ, bà con hẻm 283 Nguyễn Huệ (TP Quy Nhơn) vẫn chưa quên hình ảnh ông bác sĩ về hưu Võ Văn Noa chiều chiều đạp xe xách túi thuốc đi thăm nom từng người già trẻ nhỏ, dù gia đình ông chuyển vào TP Hồ Chí Minh ngót nghét cũng chục năm. Dạo ấy, bên cạnh nghề thuốc, ông già người Huế còn đam mê đặc biệt với thú câu cá, trồng lan. Và cứ thế, từng ngày từng tháng trôi qua đầy ý nghĩa, như câu nói đầy hóm hỉnh của một nghệ sĩ “Già duyên, già dáng, già đáng đồng tiền!”.
Tập thể dục dưỡng sinh thường xuyên là một trong các bí quyết giữ gìn sức khỏe cho người già. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Tất nhiên, bên cạnh sự chủ động đón nhận tuổi già của các cụ ông, cụ bà, rất cần sự quan tâm của con cháu. Chị Lê Thị L. - làm việc ở một doanh nghiệp tư nhân tại huyện Hoài Ân, kể rằng, khi cha mẹ gần nghỉ hưu, chị “lén” quan sát xem có những dấu hiệu bất thường nào về tâm lý, sức khỏe của “xế chiều” chưa. Chị tìm hiểu các nhóm, câu lạc bộ của người cao tuổi, khuyến khích các cụ tham gia dần cho quen, đến khi chính thức “nhận sổ hưu” thì có nơi có chốn quen thuộc để lui tới vui chơi.
Không là… gió heo may
Lâu nay, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (TP Hồ Chí Minh) vẫn nổi tiếng là người giỏi “bắt mạch” cho từng lứa tuổi với những bài viết, quyển sách đầy duyên dáng. Khi chớm về già, ông cho ra mắt quyển “Già ơi… chào bạn!”, viết cho người, cũng là cho mình - như ông tâm sự. Ông bảo, già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi “người ta tích tuổi”, cớ sao còn phải lảng tránh? Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc. Thế mới có khẩu hiệu “Sống lâu, sống khỏe, sống vui” đầy ý nghĩa của chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Việt Nam.
“Tích tuổi mà ít ốm đau, biết sống hữu ích cho mình, cho người, với chất lượng cuộc sống cao nhất có thể có được thì hẳn là tốt hơn và đúng với điều Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi: Hãy sống một tuổi già tích cực!”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khẳng định.
Nhiều người tóm tắt sức khỏe tuổi già bằng “3 cao, 1 thấp”: cao máu (cao huyết áp), cao mỡ (mỡ trong máu cao), cao đường (tiểu đường), thấp khớp. Hiểu biết đúng, thực hành trúng sẽ giúp người già sống khỏe. Bên cạnh đó, quan trọng không kém là sống lạc quan. Theo bác sĩ Trình Vĩnh Tiến - Trưởng khoa Lão (BVĐK tỉnh), thực tế không hiếm người già mắc bệnh hay khó khỏi bệnh cũng vì yếu tố tâm lý. Sợ bệnh, sợ chết, buồn bã, trách móc con cháu… khiến nhiều người ủ dột, “tâm bệnh” rất khó chữa.
“Hóa giải những bực bội, không “để bụng”, nhìn đời lạc quan, quan tâm đến mọi người, sẵn sàng chia sẻ với người khác sẽ giúp người già nhẹ nhõm, an yên. Hơn thế, tự tạo cho mình những niềm vui và bận rộn với niềm vui ấy mỗi ngày thì cuộc sống về già đâu có nghĩa là nhàm chán”, bác sĩ Tiến khẳng định.
Ai đó nói vẫn gọi một cách hình tượng rằng, tuổi già là tuổi “gió heo may”. Ở một chừng mực nào đó, gió lành tươi mát lồng lộng thổi qua hay gió mang nặng phiền não sầu thương vương lại, muôn phần cũng do cách nhận thức và hòa nhập cuộc sống của mỗi người mà ra vậy...
MAI LÂM