Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ với 2 tập sách mới: Từ mong mỏi được góp sức bồi đắp tình yêu gia đình
“Theo một người về biển” (tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi, NXB Kim Ðồng) và “Nến, bờ sông và acoustic” (tạp văn, NXB Văn nghệ) của tác giả Nguyễn Mỹ Nữ do hai nhà xuất bản (NXB) khác nhau in, phát hành nối tiếp nhau ra mắt bạn đọc trong tháng 4.2017.
Với thông điệp về tình cảm gia đình tràn ngập mỗi tập sách,“cú đúp” phát hành càng khiến cho chủ đề này tăng sức nặng khi đi vào lòng bạn đọc, đồng thời cũng giúp bạn đọc thêm hiểu, yêu mến và trân trọng tấm lòng của một ngòi bút luôn trăn trở vì một xã hội ấm áp tình người.
1.
“Theo một người về biển” gồm 10 truyện ngắn xoay quanh những nhân vật thiếu nhi, thiếu niên thành thị lẫn nông thôn, là con nhà giàu sang hay con nhà khó khổ, là những đứa trẻ hiền ngoan, gắn kết cùng gia đình, sớm trưởng thành hay ích kỷ, hoang lung, co cụm, tỏ ra bất cần. Đủ cả. Mỗi một hoàn cảnh, số phận, tính cách nhưng điểm chung: đều là những đứa trẻ đang ở độ tuổi mới lớn, đầy băn khoăn về thế giới bên ngoài lẫn thế giới bên trong, có thể không tự giãi bày, thừa nhận nhưng lòng luôn ắp đầy nhu cầu được sẻ chia, thấu hiểu, dễ dẫn đến ngơ ngác, cô đơn, thu mình, phạm sai lầm nếu không nhận được sự “kết nối” từ gia đình, cộng đồng.
Đó là một bé Thoa trong “Không kết nối”. Ba mẹ chúi đầu vào kinh doanh đến bỏ bê cô con gái duy nhất, không kết nối được trong chính gia đình mình mà chỉ kết nối trong thế giới ảo cùng ipad, iphone, facebook… Nên khi người bạn gái cùng lớp nói về mẹ bạn với tất cả sự yêu thương và gần gũi, một sự kết nối hoàn hảo mà Thoa đang thiếu và ao ước, Thoa cuồng lên đánh bạn và ngơ ngác không hiểu vì sao mình hành động thế.
Thoa đã nghĩ mình sẽ hả hê khi chứng kiến sự giận dữ, đau khổ của ba mẹ lúc họ biết chuyện, nhưng kết quả là sự trống rỗng. Những ngày Thoa bị ba mẹ phạt nhốt trong phòng riêng, ngắt với thế giới ảo, cũng là lúc Thoa tìm lại được chính mình, sống lại những hồi ức đẹp cùng gia đình, bắt đầu để tâm đến những điều bình dị xung quanh mình mà bấy lâu Thoa không hề quan tâm và nhận ra đời sống thực mới đáng quý, ý nghĩa.
Hay như Phi trong “Tóc và khóc”. Một cậu choai choai mê đổi mốt tóc, bỏ học từ lớp 6, “nổ” và sẵn sàng “bung thủ” (đánh nhau) như một cách thể hiện “đẳng cấp”. Không chỉ cái sở thích xí xọn với tóc và khoe khoang của Phi mà cả tâm tính cậu thiếu niên hoang lung này bỗng chốc im bặt, đổ nhào khi chứng kiến cậu bé câm đã thích thú và tức tưởi đến mức nào vì ước muốn có một kiểu tóc mới đã không được cha mình để tâm, cho phép! Chỉ một lần bắt gặp nỗi đau của một cậu bé khuyết tật, bất lực không tự giãi bày, không tự mình thực hiện được nhu cầu đơn sơ nhất của mình, Phi xóm Nại nổi tiếng sành điệu, làm càn bỗng thấy sự tốt mã, hợp mốt của mình sao phù phiếm và sống sượng.
Chính sự san sẻ, cái đau nỗi đau của đồng loại này gieo cho ta niềm tin rằng những con người đang ngấp nghé bờ vực như Phi nếu được quan tâm, sẻ chia, định hướng chắc chắn sẽ giữ được mình khỏi hư hỏng và tha hóa.
2.
Không thắc thỏm cùng số phận những nhân vật như trong “Theo một người về biển”, tạp văn “Nến, bờ sông và acoustic” cho ta một cảm nhận khác.
Một sự thu nạp và nghiền ngẫm trong tĩnh lặng. 50 tạp bút mà tác giả cân nhắc chọn lựa, tự mình chắt lọc từ hàng trăm tản văn, tạp bút trong đời viết gần 20 năm của mình, là những kỷ niệm, hồi ức, quan sát, ưu tư, chiêm nghiệm mà một “lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ” chia sẻ cùng bạn đọc.
Muôn hình, muôn vẻ là những câu chuyện nhưng cảm nhận chung mang lại, thông điệp lớn nhất vẫn là một tâm ý muốn khơi lên, bồi đắp thêm hơn cho đời, trong mỗi con người chúng ta tình cảm gia đình thiêng liêng, mầm nhân ái, sự yêu thương, lòng bao dung, quan tâm, lắng nghe nhau, vì nhau...
“Chợt nhận ra: cái cách mà những người lớn chúng ta vẫn quen hành xử với nhau, mỗi ngày, nghe ra còn dở và tệ hơn trẻ nhỏ rất nhiều. Thiếu vắng quá những quan tâm, sẻ chia… Đã đành là phải làm điều xấu cho nhau, có nên chăng, hãy gắng ở mức độ thấp nhất, nhỏ nhất. Bởi, sự chịu đựng thì có hạn mà trái tim con người vốn dĩ rất mong manh”. (Cách đi tới của bóng tối và bàn tay con trẻ).
3.
Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ, chính sự thôi thúc, niềm mong mỏi được góp sức bồi đắp tình yêu gia đình trong mỗi người của một người viết đã dẫn tôi trở lại với đề tài rất khó viết này sau gần 10 năm (trước đó chị có 2 tập truyện thiếu nhi là “Mắt núi” - 2004 và “Món quà của mùa hè” -2007).
Bạn đọc, nếu “lỡ” đã quen với một Nguyễn Mỹ Nữ phần nào định danh bởi cái duyên, thế mạnh khai thác số phận của những con người thị dân bình dân lấm láp và tù túng, thì việc “gặp” chị ở lần dấn thân trở lại với mảng đề tài cho thiếu nhi, chắc hẳn sẽ rất ấn tượng.
Với “Theo một người về biển”, nhiều bạn đọc thêm tin Nguyễn Mỹ Nữ có khiếu với mảng đề tài thiếu nhi. Vậy nên, càng khấp khởi mừng cho riêng chị và văn chương Bình Định khi được biết, tập bản thảo tập truyện ngắn thiếu nhi “Nào cùng nhón chân” của chị đang nằm ở một nhà xuất bản vừa được nơi này đánh tiếng là sẽ tiếp tục được xuất bản trong nay mai…
“Chính sự thôi thúc, niềm mong mỏi được góp sức bồi đắp tình yêu gia đình trong mỗi người của một người viết đã dẫn tôi trở lại với đề tài rất khó viết này sau gần 10 năm”
- Nhà văn NGUYỄN MỸ NỮ chia sẻ
SAO LY