Sức khỏe người cao tuổi mùa nắng nóng cần được quan tâm
Thời tiết nắng nóng dễ gây ra nhiều bệnh ở người cao tuổi. Tại khoa Lão khoa, BVÐK tỉnh, hiện bình quân mỗi ngày có 40-50 bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập viện điều trị.
BS Trần Văn Trung - Khoa Nội Trung cao, BVĐK tỉnh- cho biết: “Bệnh thường gặp nhất vào mùa nắng nóng, ở người cao tuổi, là say nắng giữa trưa, khi trời oi bức, xế chiều, khi trời nắng gay gắt. Người bị say nắng thường có triệu chứng: sốt cao hơn 400C, có các dấu hiệu thần kinh nhất là ở người bị xơ vữa động mạch. Để tránh mắc bệnh, người cao tuổi không nên ra ngoài đường hoặc tắm biển lúc trời đang nắng nóng, hoặc nếu đi thì nên đội mũ rộng vành hoặc che ô, không ngồi lâu một tư thế khi có tia nắng mặt trời chiếu thẳng vào gáy”.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Bệnh thường do uống phải các loại nước giải khát, kém vệ sinh, uống nước chưa được đun sôi, ăn rau sống, thực phẩm chưa nấu chín (nem chua, nem chạo, tiết canh). Triệu chứng phổ biến là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy cấp, nếu không cấp cứu kịp thời có thể trụy tim mạch, tử vong.
Để phòng tránh bệnh thì không nên uống nước chưa được đun sôi, không ăn, uống các loại nước giải khát bán dạo, bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh. Không ăn rau sống, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín như nem chua, nem chạo, gỏi cá, thịt tái…
Các bệnh về đường hô hấp cũng thường xảy ra trong mùa này. Nguyên nhân là trời nắng nóng, mất nhiều mồ hôi, gây ra khát, để giải nhiệt mọi người dùng nhiều nước đá. Trong đó, bệnh viêm phế quản cấp là bệnh nhẹ nhưng hay mắc phải, đa số bệnh khỏi sau một tuần bệnh, có thể tái phát hoặc diễn tiến đến viêm phổi.
Để phòng bệnh, người cao tuổi cần hạn chế uống nước đá, không nên để máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp. Bên cạnh đó, cần bù đủ lượng nước bị mất cho cơ thể, cung cấp nhiều vitamin từ trái cây, rau tươi để tăng sức đề kháng; hạn chế các loại nước ngọt vì sẽ làm người uống khát hơn và dễ bị viêm họng.
Thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến người bị bệnh tim mạch. Nếu người bệnh không được theo dõi và kiểm soát bệnh chặt chẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Một trong số đó là bệnh suy tim.
Do vậy để giảm mối nguy hại cho người bệnh tim mạch khi thời tiết nắng nóng, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển nên uống nước nhiều hơn, uống nhiều lần trong ngày không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng to, ở trong môi trường có điều hòa nhiệt độ càng tốt.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành cần phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho… để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.
THÙY VY (Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe)