11 nước tham gia TPP chuẩn bị đàm phán, hướng tới TPP không có Mỹ
Trưởng đoàn đàm phán của 11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tổ chức họp tại Toronto (Canada) trong tuần này, nhằm khởi động cho các vòng đàm phán mới, hướng tới việc triển khai một TPP không có Mỹ.
Lãnh đạo các nước tham gia TPP họp bên lề hội nghị thượng đỉnh Apec tại Lima, Peru năm 2016.
Theo đó, Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước này, sẽ là nước dẫn dắt các phiên họp diễn ra vào hai ngày 2 và 3.5.
Cuộc họp tại Toronto được xem là phiên trù bị cho cuộc gặp của Bộ trưởng các nước TPP, dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào hai ngày 20 và 21.5.
Trước cuộc họp, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách vấn đề TPP Nobutera Ishihara đã có các cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne. Các bên xác nhận sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau.
Tại một cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra tại Chile hồi tháng 3, 11 nước tham gia TPP ra một tuyên bố chung, trong đó xác nhận ý nghĩa chiến lược và kinh tế của hiệp định này. Giữa các bên không có sự khác biệt lớn về tầm quan trọng của thương mại chất lượng cao và những quy định về đầu tư trong TPP.
Một nguồn tin thân cận với các vòng đàm phán TPP cho biết, các nước tham gia không có khác biệt nhiều về lợi ích có được từ TPP nhưng lại khác nhau về cách thức triển khai hiệp định này.
Ba kịch bản
Tình hình hiện nay có thể dẫn đến 3 kịch bản như sau:
Đầu tiên, các nước tham gia có thể phải điều chỉnh các yêu cầu để TPP có hiệu lực, mà không làm thay đổi nội dung của thỏa thuận. Chẳng hạn, TPP chỉ có hiệu lực sau khi ít nhất 6 quốc gia, mà tổng GDP của các nước này chiếm ít nhất 85% tổng GDP của các nước còn lại, hoàn tất quá trình trong nước (nghị viện/quốc hội của 6 nước đó thông qua). Do Mỹ chiếm hơn 60% GDP của các nước tham gia TPP, nên sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này thì TPP hiện nay không thể có hiệu lực.
Kịch bản thứ hai sẽ là việc tổ chức các vòng đàm phán mới về những vấn đề như: các quy định về thương mại và đầu tư. Việt Nam và Malaysia đồng ý nới lỏng các quy định trong nước và mở cửa thị trường, để đổi lại quyền tiếp cận thị trường rộng lớn tại Mỹ. Vì vậy, nếu tham gia TPP mà không có Mỹ, hai nước này có thể vẫn còn do dự. Tuy nhiên, nếu các bên tham gia đi sâu vào các chi tiết của thỏa thuận, thì việc kéo dài các vòng đàm phán là không thể tránh khỏi.
Kịch bản thứ ba là việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do mới, bằng cách kết nạp thêm các nước khác, ngoài 11 nước tham gia TPP. Hiện Peru và Chile rất quan tâm đến kế hoạch này, với ý tưởng mời Trung Quốc và một số nước khác tham gia. Tuy nhiên, kịch bản này sẽ cần đàm phán lại từ đầu. Ngoài ra, một số nước cũng tỏ ra cẩn trọng nếu có Trung Quốc tham gia.
Ảnh hưởng của RCEP
Sau khi TPP có nguy cơ không thành hiện thực, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bày tỏ ý định sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay.
Mặc dù Nhật Bản cũng tham gia RCEP và ủng hộ hiệp định này, nhưng Tokyo muốn tránh một kịch bản, trong đó RCEP, vốn cho phép mức độ mở cửa thị trường ít hơn so với TPP, hình thành trước TPP.
Lê Quảng (theo Yomiuri Shimbun)