Trò chuyện với những học sinh giỏi Lịch sử: Hiểu lịch sử để giải thích hiện tại và nhìn được tương lai
Tại Kỳ thi Olympic 30.4 năm 2017 diễn ra tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), đội tuyển Lịch sử lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn đã đứng Nhất toàn miền Nam. Trò chuyện với các thành viên của đội, họ chia sẻ về niềm đam mê, lợi ích có được khi theo đuổi môn học này và đúc kết: Hiểu lịch sử sẽ biết cách giải thích được nhiều vấn đề của hiện tại và qua đó phần nào sẽ nhìn thấy được tương lai.
Đội tuyển Lịch sử lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có ba thành viên: Nguyễn Hoàng Ngọc Trâm, Phan Thị Ngọc Vui cùng học lớp 11 chuyên Ngữ văn và Phan Ngọc Thùy Trang lớp 11A1. Cả ba đều đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh năm học này và đều lần đầu tham dự kỳ thi Olympic 30.4.
Từ trái qua phải: Nguyễn Hoàng Ngọc Trâm, Phan Ngọc Thùy Trang và Phan Thị Ngọc Vui.
Niềm hứng thú với lịch sử
“Đề vừa mới, vừa khó, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, tổng hợp, lập luận chặt chẽ, vận dụng kiến thức đã học để trả lời!”, Vui kể. Gặp khó khăn lúc “khởi động”, nhưng nhờ kiến thức vững vàng, khả năng tư duy, suy luận nhạy bén họ nhanh chóng vượt qua được chút trúc trắc ban đầu và tìm thấy sự hứng thú khi xử lý được đề bài khó.
Nhớ lúc được xướng tên đạt huy chương Vàng, cả ba đều bất ngờ và vui sướng. “Cảm giác hãnh diện cho chính bản thân, gia đình, nhà trường và đặc biệt thấy biết ơn thầy Cường - người thầy luôn biết cách xóa bỏ bầu không khí áp lực, tạo hứng thú học tập cho cả đội”, cả ba cô học trò nhỏ cùng bộc lộ cảm xúc.
Hỏi cả ba vì sao thích học Sử? Trâm cho biết: “Nhiều người vẫn nghĩ để thi Sử chỉ cần học thuộc kiến thức, “gạo” bài là điểm cao! Em không nghĩ vậy. Với em, đây là một môn khoa học, đòi hỏi nhiều khả năng tư duy. Muốn có kết quả tốt phải biết cách tổng hợp, phân tích, đánh giá các kiến thức đã học, đã đọc. Đồng thời cũng phải biết cách trình bày sao cho khúc chiết, súc tích”.
Nét chung của những cô học trò yêu thích môn Lịch sử là muốn hiểu tường tận lịch sử nước nhà, muốn biến nền tảng kiến thức về lịch sử dân tộc thành thông tin hữu ích để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè khắp nơi.
Bí quyết để học tốt Sử
Cả ba cô gái “vàng” cho biết, muốn học tốt Sử, việc đầu tiên phải chăm chỉ, siêng năng học bài, rèn cách diễn đạt, trình bày tốt.
“Có thể mục đích đến với môn Sử khác nhau, nhưng nhìn chung, cả ba em đều là những học sinh thông minh, ham học hỏi, có quyết tâm cao, khả năng tự học rất tốt. Ngoài thời gian học trên lớp, các em rất chịu khó tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn khác. Các em có tinh thần trách nhiệm, nỗ lực rất lớn!”
Thầy NGUYỄN VĂN CƯỜNG, giáo viên Sử Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn
“Em tự tạo hứng thú bằng cách tham gia các trang diễn đàn lịch sử, nghiên cứu lịch sử trên mạng. Ở đó có những câu chuyện rất hấp dẫn, giúp khắc sâu kiến thức”, Trang nói. Còn Trâm thì đọc các tài liệu của những chuyên gia, nhà khoa học để đào sâu kiến thức. Riêng Vui nghĩ cách tự thưởng cho mình “Chẳng hạn trong vòng 1 tiếng đồng hồ, học xong nội dung này thì em cho phép mình nghe một bản nhạc hoặc ăn một món ăn yêu thích nào đó”- Vui kể.
Nhận ra lợi ích thiết thân của bộ môn Lịch sử cho định hướng chuyên ngành Du lịch sẽ theo đuổi trong tương lai, Trâm và Vui sẽ nỗ lực gắn kết thật chặt với môn học hơn nữa. Trang dù yêu thích công việc kinh doanh nhưng cũng xác định sẽ tiếp tục gắn bó với những kiến thức Lịch sử, bởi “qua việc tìm hiểu môn Sử với những kiến thức trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội qua các thời kỳ sẽ phục vụ rất nhiều cho niềm đam mê kinh doanh của em sau này”.
“Nếu có đầy đủ kiến thức về lịch sử quê hương mình, đó sẽ là vốn thông tin đặc sắc để phần trả lời gây được ấn tượng và có tính thuyết phục cao. Chúng em sẽ cố gắng để vốn kiến thức của mình phong phú hơn, đồng thời kết nối với thông tin về các lĩnh vực khác có liên quan, ví dụ: văn học, xã hội, địa lý… Được như vậy việc ứng dụng sẽ có thêm nhiều lợi ích, đạt hiệu quả cao không chỉ trong thi cử mà còn trong cuộc sống thường nhật!” - ba cô học sinh giỏi vui vẻ chia sẻ.
NGỌC TÚ