Chất lượng tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP: Nỗi lo của ngư dân
Theo ngành chức năng của tỉnh, đến nay ngư dân tỉnh ta đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 44 tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ và vỏ composite theo tinh thần Nghị định (NÐ) 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản, song đã có nhiều tàu cá (còn trong thời gian bảo hành) bị hư hỏng. Dù đang mùa chính vụ khai thác thủy sản, nhưng không ít ngư dân phải cho tàu “nằm bờ” để sửa chữa.
Tàu cá mới nhận đã hư hỏng
Chúng tôi đến cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh - Phù Cát) đúng thời điểm ông Lê Văn Thãi - ở xã Cát Khánh, chủ tàu cá vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 TS công suất 940 CV hành nghề lưới vây - đang sửa chữa một số thiết bị trên tàu bị hư hỏng và cho tàu chạy thử. Ông Thãi thổ lộ: “Sau khi nhận tàu từ Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) về, cuối năm 2016, tôi mở chuyến biển đầu tiên nhưng thất bại, do thiết bị hầm bảo quản sản phẩm không đảm bảo khiến cho nước đá tiêu hao nhiều, nên phải cho tàu vào bờ sớm, bị thua lỗ hơn 200 triệu đồng. Sau đó, nhà máy đóng tàu cử thợ máy sửa chữa mất 2 tuần mới xong. Ngày 2.4, tôi vận hành tàu để chuẩn bị mở chuyến biển thứ 3 thì hộp số và kim phun dầu của tàu bị hỏng, đến ngày 18.4 mới khắc phục được. Ngày hôm sau tôi cho tàu chạy thử, thợ máy kiểm tra và cho biết bô, sơn hàn giải nhiệt tàu cá bị hư hỏng. Nhiều ngày qua, tôi phụ thợ máy sửa chữa các thiết bị hư hỏng và cho tàu chạy thử để kiểm tra những vẫn chưa đảm bảo yêu cầu”.
Tàu cá vỏ thép mang tên Khánh Đỏ BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh, ở xã Cát Khánh (Phù Cát), bị hư hỏng đang neo đậu tại cảng cá Đề Gi.
Ngư dân Lê Văn Mi, cũng ở Cát Khánh, chủ tàu cá Lê Gia 03 BĐ 99569 TS, cho biết: “Sau khi tiếp nhận tàu cá từ Công ty TNHH MTV Nam Triệu, tôi đưa tàu từ Hải Phòng về cảng cá Đề Gi. Mới về đến cảng, dây lái trợ lực bị hỏng, không điều khiển được tàu, may nhờ có thợ máy của nhà máy đi cùng, nên đã khắc phục được. Cách đây mấy ngày, tôi đưa tàu ra Cát Hải cứu hộ tàu cá BĐ 99168 TS bị mắc cạn, nhưng chưa tiếp cận được tàu cá bị nạn thì dây lái trợ lực lại bị bung, tàu mất phương hướng. Chờ đợi nhà máy đến sửa chữa quá lâu, nên tôi đã mua và thay dây lái trợ lực khác hết 3 triệu đồng, đồng thời gọi điện báo cho Công ty đóng tàu biết, đề nghị công ty bồi hoàn chi phí nhưng chưa được thanh toán.
Tàu vỏ thép mang tên Khánh Đỏ BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh, ở cùng xã Cát Khánh, cũng bị hư hỏng chưa khắc phục xong. Ông Khánh cho biết: Tàu của tôi bị hỏng hộp số, nằm bờ hơn 1 tháng nay. Tôi đã nhiều lần gọi điện thông báo với Công ty Nam Triệu (đơn vị đóng tàu) về việc tàu bị hư hỏng và đề nghị cử thợ máy đến sửa chữa, nhưng sửa mãi mà chẳng được. Làm ăn không thuận lợi, mà mỗi ngày tôi phải chi gần 100 ngàn đồng thuê người giữ tàu và trả tiền bến bãi. Ngân hàng cũng đã thông báo đến kỳ hạn trả nợ vay đóng tàu đợt 2 quý 2.2017 gần 300 triệu đồng, nhưng thú thật, giờ tôi đang “bí”!.
Tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn cũng có nhiều tàu cá vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả khai thác thủy sản của các tàu đóng mới theo NĐ 67/CP trên địa bàn tỉnh.
Kết quả kiểm tra thực tế 7 tàu cá và phản ánh của 3 ngư dân đóng tàu tại Công ty Nam Triệu cho thấy, máy chính nhãn hiệu Mitsubishi của 6 tàu bị sự cố hư hỏng; máy phát điện trên 3 tàu hoạt động không tốt; hầm bảo quản sản phẩm không giữ được lạnh; một số tàu thân vỏ tàu bị gỉ sét, hà bám nhiều. Việc sửa chữa tàu cá của doanh nghiệp đóng tàu chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân.
Có 4/5 tàu cá của ngư dân tiếp nhận từ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã bị gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp. Điều đáng nói là các chủ tàu đã nhiều lần liên hệ và gửi đơn đề nghị hỗ trợ sửa chữa, khắc phục các thiết bị hư hỏng nhưng DN này không thực hiện mà còn đe dọa chủ tàu.
Ngoài ra, có 1 tàu cá vỏ thép đóng tại Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy - Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa); 1 tàu cá đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang; 1 tàu cá khác đóng tại Công ty TNHH Đóng tàu Việt Tiến (Nam Định) cũng bị hư hỏng nhưng đã được các DN sửa chữa kịp thời.
Giải pháp nào?
Do tàu cá bị hư hỏng, không thể sử dụng khai thác thủy sản hoặc khai thác không hiệu quả đã ảnh hưởng đến đời sống và tiến độ hoàn trả nợ vay của ngư dân. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT đang tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP và mời chính quyền các địa phương có tàu vỏ thép bị hư hỏng, các chủ tàu, các doanh nghiệp đóng tàu, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản cùng tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp về việc bảo hành, sửa chữa từng trường hợp tàu cá bị hư hỏng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định, để ngư dân sử dụng khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định, cho biết: Có 11 ngư dân vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đóng tàu, nay đã quá hạn nhưng vẫn không trả được nợ. Việc trả nợ không đúng kỳ hạn dẫn đến toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất. Do vậy, chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67/CP của tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT khảo sát, đánh giá lại năng lực tài chính, chuyên môn của các cơ sở đóng tàu và công bố kết quả cho các đơn vị có liên quan biết để tư vấn cho ngư dân, tránh tình trạng ngư dân thiếu thông tin khi lựa chọn cơ sở đóng tàu, dẫn đến chất lượng tàu không đạt yêu cầu. Có văn bản hướng dẫn việc thực hiện thời gian ân hạn đối với các trường hợp tàu cá phải sửa chữa. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do những nguyên nhân khách quan, như doanh nghiệp đóng tàu bàn giao tàu không đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký kết; tàu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp với ngành nghề và do thời tiết diễn biến thất thường.
PHẠM TIẾN SỸ