Quỳnh Khanh và những lưu giữ đầy cảm xúc
Hóa thân làm một phù thủy nhỏ, viết thư gửi đến tân Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, bày tỏ trăn trở về một vấn đề tuy không mới nhưng vẫn là vấn nạn toàn cầu: sự biến mất của rừng, Võ Phan Quỳnh Khanh, học sinh lớp 8A4 trường THCS Lương Thế Vinh, TP Quy Nhơn đã đoạt giải Ba cấp quốc gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 - năm 2017 (gọi tắt là UPU 46).
Chủ đề của UPU 46 là: Hãy hình dung, nếu bạn là cố vấn Tổng Thư ký Liên hiệp quốc mới, bạn sẽ cố vấn cho ngài ấy vấn đề nào của thế giới cần xử lý đầu tiên và giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?
Nhiều sáng tạo trong bức thư ngộ nghĩnh
Lấy cảm hứng từ bộ truyện kỳ ảo Harry Potter của nữ văn sĩ J.K.Rowling, bức thư UPU của Quỳnh Khanh gây ấn tượng trước hết ở cách tiếp cận, đặt vấn đề ngộ nghĩnh, mang đậm dấu ấn lứa tuổi. Ấn tượng này thể hiện ngay ở cách chọn lựa hóa thân (là một phù thủy lai) và người nhận thư: cũng trên cương vị tân Tổng Thư ký Liên hiệp quốc nhưng ngài Antonio Guterres đã được tác giả cho hóa thành ngài Muggle António Manuel de Oliveira Guterres - đến từ cộng đồng Muggle phi pháp thuật.
Tác giả Quỳnh Khanh và bản nháp bức thư UPU đoạt giải Ba của mình.
Nhờ vậy, câu chuyện trong bức thư trở nên gần gũi, đầy hứng thú. Điều thú vị là, tuy được phủ lên màu sắc mầu nhiệm, nhưng cốt lõi của bức thư cũng như cách giải quyết vấn đề mà “người cố vấn” kiến nghị lên, không hề viển vông chút nào.
Thử đọc một đoạn xem: “Cháu nghĩ, dùng gạch xấu xây nhà thì nhà chẳng thể bền lâu. Cần bắt đầu từ những cái nhỏ nhặt nhất. Nghe hơi tức cười, nhưng nếu cháu là ngài, cháu sẽ khuyên các bạn học sinh đừng xé giấy trắng gấp máy bay phóng chơi nữa. Đấy cũng là gián tiếp hủy hoại rừng, vì giấy làm từ bột gỗ mà”.
Theo Quỳnh Khanh, khi những người thân trong gia đình biết em chọn bảo vệ rừng làm chủ đề triển khai bài dự thi UPU 46, ai cũng nhận xét là: vấn đề quen, không thời sự. “Bản thân em cũng tự nhận thấy điều này. Nhưng em lại nghĩ, vấn đề tuy cũ nhưng chưa được thế giới quan tâm cải tạo, tác hại đang hoành hành thì vẫn nên cảnh báo. Đồng thời, đó cũng là đề tài mà em thấy hứng thú nhất nên quyết tâm chọn viết cho thỏa thích. Việc hóa thân, rồi “đặt” ra ngài Muggle António Manuel de Oliveira Guterres hay diễn đạt, cứ tự nhiên nảy ra trong đầu”, Quỳnh Khanh kể.
“Quả ngọt”
Vừa là yêu cầu vừa kèm với khuyên nhủ, khuyến khích, khi con lên 9, chị Phan Thị Ly Giang đã hướng cho Khanh thói quen ghi chép về những gì trải qua trong cuộc sống, những cảm xúc xảy đến trong tâm hồn. Từ chỗ vâng theo lời má, điều đó giờ đã là một thói quen tốt của cô bé lớp 8 này.
Tôi có dịp lướt qua cuốn sổ thứ nhất của Khanh. Trang đầu, bài viết đầu - “Con diều” được viết ngày 20.5.2011, em kể, em tả, em nói lên niềm phấn khích được chị mua cho con diều, được dẫn đi thả diều… Cứ thế, ti tỉ chuyện mỗi ngày đều được em quan sát, lắng nghe, hồi tưởng lại và ghi chép ra, những con chữ trong veo, cựa quậy, không có chút gì là “làm theo yêu cầu của má” cả. “Về quê” (8.6.2011), “Bà nội” (9.6.2011), “Thăm bảo tàng 2” (6.1.2012), “Các bạn trong xóm” (28.6.2012), “Giá sách nhỏ” (2.6.2012), “Tắm biển mùa hè” (17.7.2013), “Vườn nhà nội” (24.7.2013)… Tối hôm gặp Khanh và ba má em tại nhà, tôi nghe Khanh nói với má “Hết cuốn sổ thứ 4 rồi, giờ con sẽ tự mua cuốn mới”.
Chị Giang chia sẻ, khi bảo con viết về mỗi ngày đi qua của mình, chị muốn tập cho con thái độ lắng nghe cuộc sống, sự lắng đọng, biết cách gọi tên cảm xúc mình, đồng thời thông qua đó, chị hiểu con, gần con hơn. Người mẹ ngạc nhiên và vui mừng vì con bị động làm theo yêu cầu chỉ một thời gian ngắn, còn lại sau đó và duy trì đến nay là từ nhu cầu chia sẻ, lưu giữ cảm xúc của chính con. Một phần nhờ thói quen viết kiểu nhật ký này, cùng với đó là sở thích, thói quen đọc sách, câu, từ, diễn đạt, cả sự độc đáo trong tư duy viết… ở bé Khanh rất tốt. Năm lớp 5, em từng đạt giải Khuyến khích UPU cấp tỉnh (2014). Tin rằng đó là kết tinh của hành trình lắng nghe và lưu giữ trải nghiệm cuộc sống đầy thú vị ở cô bé này.
SAO LY