Tiếp nhận hơn 600 TBYT từ JICA: Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao
BVĐK tỉnh đã nhận được hơn 600 thiết bị y tế (TBYT) thuộc gói hỗ trợ từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) quản lý. Gói hỗ trợ này sẽ giúp đơn vị có điều kiện áp dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến trong y khoa vào công tác khám chữa bệnh (KCB).
Nhiều TBYT của Dự án đã được đưa vào sử dụng tại phòng Hồi sức cấp cứu Nội BVĐK tỉnh.
Tính đến ngày 27.4, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận 161/171 hạng mục (94%); 609/626 TBYT từ nhà thầu Mitsubishi Corporation. Đây là số TBYT được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ theo dự án có tổng mức đầu tư gần 514 tỉ đồng (trong đó vốn vay ODA hơn 448 tỉ đồng, vốn đối ứng của tỉnh hơn 65,7 tỉ đồng). Dự kiến, trong tháng 5.2017, BVĐK tỉnh sẽ tiếp nhận các thiết bị: DSA, MRI 3T và 8 hạng mục còn lại.
Dự án quy mô
Đây được coi là niềm vui lớn của các y bác sĩ BVĐK tỉnh, cũng như những người dân trong tỉnh và các địa phương lân cận. Bởi việc đưa vào sử dụng những trang thiết bị hiện đại này sẽ tạo cơ hội nâng cao chất lượng KCB.
Song song với tiến độ thực hiện dự án, BVĐK tỉnh đã có những bước đi cụ thể, phù hợp để phát huy giá trị các TBYT vừa nhận. Cụ thể, BVĐK tỉnh đã chuẩn bị về cơ sở vật chất lắp đặt thiết bị gồm: nhà lắp đặt hệ thống can thiệp tim, mạch (DSA); nhà lắp đặt hệ thống MRI; nhà lắp đặt hệ thống CT - Scanner; nhà lắp đặt hệ thống chụp X-quang kỹ thuật số… Cùng với đó, nhiều lượt bác sĩ đã được cử đi học tập, tập huấn để có thể sử dụng thành thạo các TBYT hiện đại.
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: “Hầu hết các TBYT nhận về đều đã được đưa vào sử dụng ngay. Một số khác đang được khẩn trương lắp đặt. Chúng tôi đã liên kết với các bệnh viện trung ương ở phía Nam, để được hỗ trợ khai thác, sử dụng tối đa các thiết bị này vào ứng dụng, điều trị cho bệnh nhân!”.
Hiệu quả thiết thực
Số TBYT thuộc Dự án này được cung cấp cho rất nhiều khoa, phòng của BVĐK tỉnh, như: phòng mổ, khoa Xét nghiệm, khoa Khám bệnh, khoa hHi sức cấp cứu, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Răng hàm mặt, khoa Huyết học… Một số thiết bị chuẩn bị đưa về sẽ được bố trí tại các khoa phòng sẽ thành lập trong nay mai. Điển hình là các thiết bị thuộc Đơn nguyên Hiếm muộn (dự kiến triển khai từ tháng 6.2017).
Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Võ Thành Nam Bình cho biết: “Nhiều thiết bị hỗ trợ rất tích cực cho quá trình KCB, đơn cử như các máy nội soi hiện đại, đã giúp chúng tôi mạnh dạn triển khai các kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh về tiêu hóa, giúp nhiều bệnh nhân không phải chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí điều trị”.
Trong khi đó, Khoa Ngoại thần kinh - Cột sống được trang bị hầu hết các trang thiết bị dùng trong phẫu thuật như: hệ thống định vị dẫn đường trong phẫu thuật u não và cột sống; hệ thống nội soi mổ thoát vị đĩa đệm và u não; máy theo dõi thần kinh trong phẫu thuật não và cột sống; kính hiển vi phẫu thuật; máy làm tan u trong phẫu thuật u não và cột sống, giường đặc dụng hồi sức, máy thở…
Bác sĩ Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, cho biết: “Những thiết bị này chúng tôi vừa nhận từ tháng 4.2017, nhưng nhờ trước đó các bác sĩ trong khoa đã được tập huấn, nên có thể sử dụng thuần thục, khai thác tối đa tính năng của các thiết bị. Đây đều là những thiết bị hỗ trợ rất tích cực trong phẫu thuật, đơn cử như máy làm tan u trong phẫu thuật u não và cột sống dùng sóng siêu âm và sức đẩy của nước làm tan khối u một cách an toàn. Trước đây, chúng ta thường dùng phương pháp đốt cắt khối u, có thể gây thương tổn các tổ chức bình thường xung quanh, nếu đụng vào vị trí quan trọng như thân não có thể gây tử vong hoặc khó khăn trong hồi sức”.
Được biết, trong tháng 5.2017, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống còn nhận một kính hiển vi phẫu thuật 3D, có thể thấy được chiều sâu trong phẫu trường, giúp phẫu thuật viên đánh giá được thương tổn cũng như tổ chức bình thường tốt hơn so với loại kính đã sử dụng trước đây.
LÊ CƯỜNG