Nhiều bệnh nhân nguy kịch do bỏng xăng, dầu
Ðến trưa 5.8, phòng Bỏng của khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng (BVÐK tỉnh) còn điều trị cho 15 bệnh nhân. Trong số đó, có 4 bệnh nhân bị bỏng do lửa xăng, loại bỏng nguy hiểm nhất.
Chỉ từ 21.7 đến 1.8, phòng Bỏng đã tiếp nhận 6 bệnh nhân bị bỏng do xăng, dầu. Trong đó, nặng nhất là bệnh nhân Văn Đẩu - 68 tuổi, ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn - vào viện lúc 6 giờ 15 phút ngày 1.8. Ông Đẩu có tiền sử bị tâm thần, sáng sớm hôm đó, ông nói với gia đình đi mua đồ ăn sáng, nhưng không biết loay hoay thế nào mà xăng đổ lên người, cháy gây bỏng đến 100%. Khi vào viện, toàn thân ông cháy vàng đen, bụng chướng, nước tiểu đen, huyết áp khó đo và tử vong 2 ngày sau đó.
Trẻ em rất dễ bị bỏng khi gia đình thiếu quan tâm, để các em đùa nghịch bất cẩn. Như trường hợp em Lê Gia Vỹ - 8 tuổi, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn. Sáng 21.7, ba mẹ không có nhà, Vỹ cùng em trai lấy dầu hỏa đổ lên mình, rồi lấy quẹt huơ huơ, không ngờ lửa bén lên người. Vỹ chạy ra giếng lấy nước dập lửa rồi lên giường trùm mền. Chiều cùng ngày, gia đình phát hiện, đưa đi viện thì Vỹ đã bị bỏng 50%, độ 4. Điều trị 10 ngày thì Vỹ được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).
Theo bác sĩ điều trị của phòng Bỏng Võ Nam Định, thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân bỏng bị nguy kịch đến từ các tỉnh lân cận. Chị Nguyễn Thị Châu - 19 tuổi, ở thôn 6, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai - được đưa vào viện lúc 17 giờ ngày 23.7. Theo lời người nhà, chị Châu có bán xăng tại nhà, khi xảy ra tai nạn cháy xăng, chị Châu bị bỏng đến 80%, còn con thì không qua khỏi. Lúc vào BVĐK tỉnh, mặt của chị Châu đã bị nhiễm trùng, vùng da bị bỏng sâu bốc mùi hôi. Hay như bệnh nhân Nguyễn Vũ Đài Trang - 20 tuổi, ở Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai - bị bỏng 85%, độ 3-4 do bị trúng bom xăng quăng vào nhà.
Bác sĩ Võ Nam Định khuyến cáo, xăng, dầu là chất gây cháy nhanh, mô tổn thương sâu hơn so với bỏng nước sôi. Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp dân gian để sơ cứu bỏng như bôi kem đánh răng, nước tiểu, rửa vết bỏng bằng nước mắm, đắp lá… dễ khiến vết bỏng nặng thêm, bị nhiễm khuẩn, gây khó khăn trong điều trị và nguy hiểm đến tính mạng. “Quan trọng là sơ cứu bệnh nhân kịp thời bằng cách dập tắt nơi cháy, loại bỏ tác nhân gây cháy trên người như quần áo. Với bệnh nhân nặng phải băng ép đưa đến cơ sở y tế gần nhất; băng ép có thể dùng khăn, mảnh vải sạch quấn vào vùng bị bỏng, để chống đau, phù nề, tiết dịch, tránh tổn thương nặng hơn. Bệnh nhân bỏng nhẹ thì cho ngâm vào nước 10-15 phút, sau đó băng ép rồi đưa đi bệnh viện”, bác sĩ Định lưu ý.
NGUYỄN HOÀNG
Nhiều thuốc dân gian chữa bỏng rất hiệu nghiệm, ít đau rát như băng bằng gạc, chẳng hạn như thuốc nước để bôi có bán ở Định Trường, Vĩnh Thạnh.