Thêm một dự án đầu tư "tỷ USD" vào Việt Nam
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 4, có một dự án "tỷ USD" được cấp chứng nhận đầu tư là Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với tổng vốn đầu tư 1,27 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2017 đã thu hút 734 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,88 tỷ USD, tăng 5,3% về số dự án và giảm 4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 4,36 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, có 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là hơn 1,35 tỷ USD.
Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm đạt hơn 10,59 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 4 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 52,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành khai khoáng đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 26,2%. Các ngành còn lại đạt hơn 1,02 tỷ USD, chiếm 20,9%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 7,3 tỷ USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký; ngành khai khoáng đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 12,1%; các ngành còn lại đạt hơn 1,9 tỷ USD, chiếm 18,4%.
Theo địa phương, Kiên Giang là tỉnh có số vốn đăng ký lớn nhất với 1,3 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 861,7 triệu USD, chiếm 17,7%; Tây Ninh 326 triệu USD, chiếm 6,7%...
Nhật Bản là nhà đầu tư có số vốn lớn nhất với 1,5 tỷ USD, chiếm 31,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc đầu tư hơn 1 tỷ USD, chiếm 22,4%; Trung Quốc với 735,2 triệu USD, chiếm 15,1%...
Đáng chú ý, trong tháng 4, có Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, được cấp chứng nhận đầu tư vào đúng ngày “chốt sổ” 20.4. Với tổng vốn đầu tư 1,27 tỷ USD, dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư tại Kiên Giang. Như vậy, dự án này đã trở thành dự án tỷ USD thứ hai đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm nay sau dự án của Samsung Display.
Theo Huy Thắng (Chinhphu.vn)