Từ ngày 5.5, vi phạm trong hoạt động quảng cáo có thể bị phạt tới 30 triệu đồng
Từ ngày 5.5, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20.3.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (Nghị định 28) chính thức có hiệu lực thi hành.
Tờ rơi vương vãi khắp nơi ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. (Ảnh: Hồng Minh)
Theo Nghị định 28, hành vi phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc tùy tiện đưa vào những yếu tố không phù hợp, làm giảm giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị của di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; lợi dụng việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản để trục lợi… sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Hành vi nhân bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp phép phê duyệt nội dung bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng; đã có quyết định cấm lưu hành hoặc đã thu hồi bị phạt từ 20 đến 25 triệu đồng...
Đặc biệt, Nghị định 28 bổ sung thêm nhiều quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Ngoài việc xử phạt đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, Nghị định 28 còn đưa ra mức phạt 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện này.
Hành vi quảng cáo trên các sản phẩm in là bản đồ hành chính, văn bằng chứng chỉ, văn bản quản lý nhà nước sẽ bị phạt từ 15 đến 30 triệu đồng. Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự đô thị, an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng…
Theo Hà Hiền (HNM)