Những ưu tiên ngoại giao sắp tới của Mỹ
Sau 3 tháng đảm nhiệm vai trò người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, hôm 3.5, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã công bố danh sách những ưu tiên ngoại giao của ông nhằm giải quyết các vấn đề thế giới trong thời gian tới, bao gồm vấn đề Triều Tiên được ông mô tả là "thách thức cấp bách nhất".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Trong đề xuất ngân sách mới đây, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị cắt giảm hơn 1/4 ngân sách dành cho quan hệ đối ngoại và ngân sách viện trợ bên ngoài.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson cam kết sẽ bạc bàn cùng chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu cơ quan ngoại giao để cùng giải quyết những thách thức then chốt, bao gồm:
Vấn đề Triều Tiên
Những nỗ lực của Triều Tiên nhằm phát triển tên lửa trang bị hạt nhân có khả năng vươn tới các thành phố của Mỹ được xem là "mối đe dọa lớn nhất" mà Mỹ từng đối mặt.
Ngoại trưởng Tillerson sẽ trao đổi với Tổng thống Trump về một kế hoạch nhằm "kiểm chứng" cam kết của Trung Quốc trong việc kiểm soát chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia láng giềng vốn phụ thuộc rất nhiều vào Bắc Kinh này.
Trong trường hợp Bắc Kinh không chịu thực thi những biện pháp trừng phạt quy định trong các nghị quyết cấm vận đã được ban hành của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, Washington sẽ có hành động đáp trả nhằm vào các ngân hàng hoặc doanh nghiệp của Trung Quốc đang làm ăn với Bình Nhưỡng.
Đối với Trung Quốc
Vai trò của Trung Quốc đối với Triều Tiên có lẽ là vấn đề cấp thiết nhất, song Ngoại trưởng Tillerson cũng rất chú trọng tới việc điều chỉnh quan hệ Mỹ-Trung trong vòng 50 năm tới.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo của hai cường quốc lớn nhất thế giới, từng có cuộc gặp hồi tháng trước tại bang Florida (Mỹ) và Ngoại trưởng Tillerson mong muốn những cuộc đối thoại song phương kiểu như vậy giữa hai nước sẽ được tăng cường.
Dù hai bên vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt về tự do hàng hải trên những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như vấn đề cán cân thương mại xuyên Thái Bình Dương, song Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh rằng, quan hệ Mỹ-Trung đang đi đến "điểm uốn" và là thời điểm tốt nhất để đánh giá lại.
Cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria
Trước thời điểm diễn ra một loạt vụ thử nghiệm vũ khí mới nhất của Triều Tiên, cuộc chiến chống "khủng bố Hồi giáo cực đoan" được xem là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.
Giờ đây cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo vẫn được xem là một mục tiêu chính và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc chiến này.
Ngoại trưởng Tillerson cho rằng, mối đe dọa từ khủng bố Hồi giáo cực đoan đang xoay chuyển trong "vòng tròn đồng tâm" trải dài từ chiến trường ở Iraq và Syria lan rộng khắp Trung Đông cho tới châu Phi và Trung Á.
Vì thế, ông Tillerson xác định cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo vẫn là trọng tâm trong chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Đối với Nga
Trong thời gian đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng ExxonMobil, ông Tillerson đã trở thành vị khách thường xuyên tới Nga để thúc đẩy các thỏa thuận dầu khí giữa hai nước.
Rõ ràng Nga rất hy vọng rằng chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng và quyết định bổ nhiệm ông Tillerson sẽ giúp cho mối quan hệ với Washington ấm dần lên. Song, thực tế lại không như vậy.
Trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Tillerson đã nói với người đồng cấp Nga rằng quan hệ hai nước đang trở nên tồi tệ giống như thời Chiến tranh Lạnh.
Washington hy vọng có thể hợp tác với Nga để xây dựng các khu vực ngừng bắn tại Syria, song hai bên vẫn còn chia rẽ xung quanh vấn đề Nga can thiệp ở Ukraine.
Vì vậy, mục tiêu của Ngoại trưởng Tillerson là sẽ tiến hành từng bước đi nhỏ để có thể nắm bắt và xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Những vấn đề khác
Ngoại trưởng Tillerson cũng rất quan tâm tới việc "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng y tế và đập tan các mạng lưới khủng bố tại châu Phi, trong khi đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn lậu và cắt đứt nguồn cung cấp tài chính của các tổ chức cực đoan ở Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, danh sách những ưu tiên ngoại giao của ông Tillerson không đề cập tới châu Âu, ngoài việc lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống Trump đối với các nước thành viên NATO về việc tăng thêm chi tiêu dành cho phòng vệ tập thể.
Hồng Hà (Theo Straits Times)