Sự hỗ trợ của ADB đang phát huy hiệu quả tại Việt Nam và Campuchia
Từ nhiều năm qua, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vật lý rộng khắp châu Á. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của một đất nước không thể chỉ đánh giá dựa vào sự đầu tư đối với hệ thống đường xá và đường sắt. Đó là lý do vì sao tại những nước đang phát triển, ADB tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề cũng như hỗ trợ công nghệ thông tin hiện đại.
Tuyến đường cao tốc ở Việt Nam sử dụng hệ thống điều khiển giao thông hiện đại của Nhật Bản để điều tiết ùn tắt.
Ước tính khoảng 1,2 triệu người châu Á đang sống trong đói nghèo, với mức sống khoảng 3 USD mỗi ngày. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ của ADB, diện mạo của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Campuchia, đang có nhiều thay đổi lớn.
Tháng 3 vừa qua, một Trung tâm quản lý điều hành giao thông đường cao tốc (có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin) đã được khánh thành nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 phút đi xe. Bên trong trung tâm, nhân viên trực có thể theo dõi toàn bộ dòng chảy giao thông của tuyến đường thông qua một màn hình lớn cũng như giám sát các trạm thu phí và nút thắt giao thông thông qua các màn hình nhỏ hơn để từ đó có thể nhanh chóng phát hiện các sự việc, sự cố giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác.
Anh Nam, một nhân viên trực theo dõi màn hình điều khiển cho biết, công việc này rất quan trọng. Vào giờ cao điểm giao thông, anh phải điều chỉnh thời gian của các đèn tín hiệu giao thông nhằm giảm bớt ùn tắt và nhanh chóng thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện có tai nạn trên đường. Ngoài ra, trung tâm còn lắp đặt một hệ thống thu phí điện tử. Tại mỗi trạm thu phí được trang bị một máy cảm biến có thể tự động phát hiện trọng lượng của từng chiếc xe đi qua nhằm phát hiện những xe chở quá tải, quá khổ.
Tuyến đường cao tốc kỹ thuật cao dài 55km này nối trung tâm đô thị của thành phố với khu vực ven biển. Một tập đoàn của Nhật Bản gồm các công ty Hitachi, Toshiba và Itochu đã dành được gói thầu phát triển dự án bằng nguồn vốn vay từ ADB và của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Anh Đồng, một tài xế xe tải thường xuyên đi lại trên tuyến đường này cho biết, các lái xe có thể đi lại trên tuyến đường với tốc độ cao và rất ít khi xảy ra tai nạn giao thông ở đây. Tuyến đường cao tốc này giúp anh giảm được thời gian đi lại từ 3 tiếng xuống còn khoảng 40 phút.
Hai ưu tiên hàng đầu của ADB tại châu Á là xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao và phát triển các chương trình hỗ trợ xã hội như giáo dục, đào tạo nghề.
Sóc Trăng, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 270km về phía nam, là một tỉnh nghèo nhất của Việt Nam, với 25% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Nhờ nguồn viện trợ của Nhật Bản, ADB đã giúp xây dựng một trung tâm đào tạo việc làm tại đây.
Cho tới nay, trung tâm đã đào tạo được trên 3.000 người với các ngành nghề chế biến thủy sản, may mặc, sửa chữa ô tô và một số nghề khác.
Lê Minh Hiền, 29 tuổi, một học viên tham gia khóa học tại trung tâm tâm sự, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hiền rất lo lắng không biết làm sao để tìm được một công việc ổn định. Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa học tại trung tâm, Hiền đã cùng với hai học viên khác mở được một tiệm sửa chữa xe máy. Mong muốn của Hiền là có thể nâng cao mức thu nhập lên gấp 3 lần so với mức khoảng 90 USD hiện nay.
Trong khi đó, Campuchia vừa mới khánh thành một trung tâm đào tạo do ADB tài trợ cách trung tâm thủ đô Phnom Penh khoảng 30 phút đi xe. Được trang bị một phòng thí nghiệm khoa học, phòng máy tính và thư viện, trung tâm đào tạo cho các em học sinh từ 12-18 tuổi.
Những trung tâm được trang bị máy móc đầy đủ kiểu như vậy không có nhiều ở Campuchia. Hầu như toàn bộ trường học ở Campuchia đều thiếu các trang thiết bị để làm các thí nghiệm khoa học, điều này có nghĩa là giáo viên giảng dạy hoàn toàn dựa vào sách giáo khoa.
Trong 50 năm hoạt động, ADB đã giúp cho châu Á đạt được những tiến bộ đáng kể trong vai trò là người đặt nền móng cho sự phát triển của khu vực. Vấn đề hiện nay là các nước châu Á tận dụng đòn bẩy này như thế nào để duy trì tăng trưởng bền vững.
Hồng Hà (Theo Nikkei Asian Review)