Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế tốt đẹp của châu Á
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay dự báo ở mức 6,4% và trong năm sau cũng khoảng 6,4%, nằm trong nhóm tăng trưởng hàng đầu của ASEAN+3.
“Quả là đáng kỳ vọng khi thấy khu vực ASEAN+3 vẫn ổn định khi bước vào năm 2017”, Tiến sĩ Hoe Ee Khor, phát biểu tại buổi họp báo sáng 4-5 ở Yokohama (Nhật). Ông là chuyên gia Kinh tế trưởng của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).
Trong xưởng hoàn thiện xe máy nhãn hiệu Piaggio ở tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Reuters
ASEAN+3 bao gồm 10 nước thành viên khối các nước Đông Nam Á cùng Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Nhật và Hàn Quốc.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực ASEAN+3 (AREO) 2017, khu vực ASEAN+3 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 5,2% trong năm 2017 với lạm phát nằm trong tầm kiểm soát mặc dù môi trường toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,4% trong năm nay và trong năm sau cũng khoảng 6,4%. Nhóm các nước có tỉ lệ tăng trưởng tốt trong năm nay và năm sau gồm: Myanmar (7%, 7,2%); Lào (7%, 7%); Philippines (6,8%, 7%); Campuchia (6,8%, 6,8%) và Trung quốc (6,5%, 6,3%).
Trong ấn phẩm lần đầu tiên xuất bản này, Báo cáo AREO - một ấn phẩm thường niên về giám sát khu vực của AMRO - cũng đưa ra một nghiên cứu chuyên về khu vực châu Á trong 20 năm sau cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á (AFC).
Theo Báo cáo, tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn ổn định và vững chắc, và sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực trong thời gian tới.
Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Hàn Quốc, ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan) cùng Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động kéo dài, trong khi đó các nền kinh tế đang phát triển của ASEAN là Campuchia, Lào và Myanmar tiếp tục tăng trưởng và gặt hái các lợi ích từ tiến trình hội nhập khu vực.
TS Khor cũng cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khu vực cần ưu tiên ổn định tài chính trong khi hỗ trợ tăng trưởng với một bộ chính sách hợp lý, bao gồm các biện pháp chính sách an toàn vĩ mô trọng điểm và cải cách cơ cấu bền vững”.
Báo cáo nhận định tăng trưởng sẽ tiếp tục được dẫn dắt chủ yếu bởi phần cầu nội địa và các nền kinh tế có thể hưởng lợi từ quá trình hội nhập thương mại và đầu tư khu vực.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể chịu tác động tiềm ẩn từ bất ổn toàn cầu, bao gồm những đòi hỏi gia tăng gần đây về chủ nghĩa bảo hộ thương mại (ám chỉ những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump), điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và lạm phát đang quay trở lại. Trong khi đó, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ trong khu vực nhìn chung đã bị thu hẹp so với năm 2016.
Tuy các nền kinh tế thành viên vẫn duy trì được mức dự trữ ngoại hối tương đối cao, rủi ro có thể tiềm ẩn từ khả năng các nhà đầu tư rút vốn khỏi khu vực trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Báo cáo khuyến nghị các nước thành viên nên phát triển một khuôn khổ chính sách sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài và tác động lan tỏa tiềm ẩn của chúng.
Báo cáo còn khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách khu vực cần tăng tốc tiến trình cải cách cơ cấu nền kinh tế, xử lý các nút thắt trong tăng trưởng, bao gồm tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng suất lao động.
Theo TS Khor, “cùng với việc củng cố khuôn khổ chính sách và bộ đệm trong nước, tăng cường hợp tác tài chính khu vực sẽ hỗ trợ các nền kinh tế ASEAN+3 trong việc ứng phó với các cú sốc bên ngoài và duy trì mức tăng trưởng cao trong thời gian tới”.
Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO) được thành lập nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính của khu vực ASEAN+3, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chức năng của AMRO là tiến hành giám sát kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên.
Theo TTO