Vốn bố trí xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thấp, đầu tư còn dàn trải
(BĐ) - Chiều 5.5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Võ Thăng Long, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở KH-ĐT về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2015-2016.
Báo cáo từ Sở KH-ĐT, đến cuối năm 2015, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án là 811 tỉ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương nợ 150 tỉ đồng, ngân sách tỉnh nợ 567 tỉ đồng, ngân sách huyện và xã (chỉ tính các dự án có phần ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ) nợ 93 tỉ đồng. Năm 2016 đã bố trí 414 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản đến hết năm 2015. Dự kiến kế hoạch giai đoạn 2017-2020, ngân sách tỉnh bố trí để thanh toán nợ xây dựng cơ bản đến hết năm 2015 là 301 tỉ đồng (phần ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương có trách nhiệm thanh toán dứt điểm nợ đọng theo quy định).
Năm 2016, cơ bản là số nợ đối với phần khối lượng thực hiện của các dự án chuyển tiếp năm 2015 và các dự án khởi công mới trong năm. Năm 2017, Sở KH-ĐT đã phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xử lý cơ bản phần nợ đọng xây dựng cơ bản phần ngân sách tỉnh là 301 tỉ đồng; đồng thời, phối hợp các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh cho giai đoạn 2018-2020, chủ yếu tập trung trả nợ xây dựng cơ bản mới phát sinh, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, đảm bảo phân bổ đúng quy định của Luật Đầu tư công, Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2015-2016, các ý kiến cho rằng, nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho tỉnh trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 thực tế giao thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, dẫn đến nhiều dự án đã có khối lượng thực hiện, nhưng vẫn chưa được thanh toán. Các nguồn vốn do tỉnh phân cấp về cho ngân sách cấp huyện đầu tư dàn trải, chưa phát huy hiệu quả đúng mức, gây nợ đọng kéo dài. Nguyên nhân tình trạng này có cả phía các cơ quan quản lý, địa phương và nhà thầu.
Tại buổi giám sát, Sở KH-ĐT đã kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong đó, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo nguồn vốn, thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng nhằm tránh trường hợp các chủ đầu tư điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư ban đầu..
THU HIỀN