Chuyện... “nhãn tiền”!
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong nước đã có hàng ngàn héc-ta đất cùng nhà cửa, vật liệu kiến trúc trên đất ven sông đã bị cuốn trôi. Mới đây nhất là vụ 16 ngôi nhà cùng lúc đổ sụp xuống sông Vàm Nao ở xã Mỹ Hội Ðông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Chỉ trong vài phút dòng sông đã “nuốt” trọn nhà cửa, tài sản cả đời tích cóp của hàng chục hộ gia đình, điều may mắn an ủi là người dân đã tháo chạy kịp thời nên không có thiệt hại về sinh mạng.
Không chỉ ở An Giang, tại nhiều địa phương khác như Ðồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh… cũng có nhiều nơi bị sụt lở bờ sông rất nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại đất đai, tài sản trước mắt mà còn tiềm ẩn nguy cơ lâu dài. Tại các vùng này cuộc sống của người dân vô cùng bất an. Mới đây, kết luận của cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân chính là việc tầng cát nền đáy sông ở các địa phương này bị thiếu hụt, dẫn đến việc thay đổi dòng chảy kéo theo việc sụt lở bờ sông.
Và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt cát nền đáy sông là do tình hình khai thác cát trái phép (thường được gọi là “cát tặc”) tại nhiều địa phương diễn ra trong một thời gian dài, không chỉ gây thất thoát tài nguyên mà còn gây nên các di hại khác. Những ai đã đến Hội An những năm trước đều không khỏi trầm trồ trước những khu nghỉ dưỡng xinh đẹp bên bờ biển Cửa Ðại, nay quay lại sẽ chứng kiến cảnh tượng hoang tàn đến không thể tin nổi vì bờ biển bị xâm thực dữ dội đã cuốn trôi tất cả (!).
Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc”, tình hình khai thác cát trái phép tại nhiều địa phương đã dần lắng dịu. Bên cạnh việc bảo vệ nguồn tài nguyên, việc đấu tranh chống nạn “cát tặc” còn nhằm bảo vệ bờ các con sông, ven biển trước tình trạng xâm thực nặng nề do nạn khai thác cát trái phép gây ra.
Ở tỉnh ta, tuy mức độ thiệt hại chưa đến mức báo động như các địa phương khác nhưng hoạt động khai thác cát trái phép cũng diễn ra khá phức tạp, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường nếu không được ngăn chặn có hiệu quả. Trên thực tế, tại một số vùng trong tỉnh cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển bị xâm thực đe dọa sự an toàn của dân cư. Tuy chưa có kết quả điều tra nào xác định việc sạt lở có nguyên nhân trực tiếp là do khai thác cát, nhưng cũng không thể loại trừ một cách hoàn toàn.
Thực hiện chủ trương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” của Chính phủ, mới đây chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành hữu quan nhanh chóng “vào cuộc” nhằm siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm các vụ vi phạm bị phát hiện. Ðây là việc làm cần thiết để bảo vệ một nguồn tài nguyên đặc biệt, đồng thời ngăn ngừa những “hiểm họa nhãn tiền” có thể xảy ra mà nhiều nơi đã phải nhận lãnh hậu quả!
H.Ð