Sơ hở, chủ quan “giúp”... trộm ra tay dễ dàng
Qua kiểm tra hiện trường nhiều vụ trộm cắp tài sản gần đây, công an các địa phương nhận định, thủ đoạn của loại tội phạm này là lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác, thậm chí quá chủ quan của người dân, để hoạt động.
Tại huyện Hoài Nhơn, tội phạm trộm cắp có phần lộng hành thời gian gần đây là bởi nhiều người dân quá mất cảnh giác, ban đêm đi ngủ vẫn mở cửa trên lầu cho mát, nên đã trèo lên ban công trước nhà hoặc trèo từ nhà liền kề, đột nhập vào trộm tài sản rồi tẩu thoát bằng cửa chính tầng trệt. Thời gian hoạt động của bọn chúng thường từ 0 - 3 giờ sáng.
Công an TP Quy Nhơn khám nghiệm hiện trường một vụ trộm cắp tài sản.
Điển hình vào đêm 29 rạng sáng ngày 30.3, lợi dụng cả gia đình bà Đào Thị Chi Dung (khối 6, thị trấn Tam Quan) ngủ say, kẻ gian leo cây trước nhà, trèo lên ban công tầng 1 vào nhà trộm 1 tivi, 10 máy ảnh, 1 điện thoại di động, 1 chiếc đàn organ. Tiếp đến, rạng sáng ngày 7.4, cũng với phương thức tương tự, bọn chúng đột nhập từ tầng 1 vào nhà bà Nguyễn Thị Lý (thôn Thuận Thượng 1, xã Hoài Xuân) cuỗm luôn 1 két sắt bên trong có vàng và tiền mặt, cùng 1 xe mô tô.
Gần đây nhất, vào khoảng 14 giờ ngày 18.4, sư cô Tùng Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Sơn (thị trấn Bồng Sơn) cùng 2 ni cô đang làm nhang thì có một người đàn ông lạ mặt chừng trên 50 tuổi xin vào khuôn viên Tịnh xá tìm hái lá thuốc nam chữa bệnh. Thế nhưng khoảng hơn 1 tiếng sau, không thấy người lạ trở ra, lo lắng, các sư vào chánh điện kiểm tra thì phát hiện chiếc chuông đồng lớn đặt trên bàn tụng niệm đã biến mất. Theo sư cô Tùng Liên, chiếc chuông đồng này có giá 5 triệu đồng. Sư cô Liên còn cho biết thêm, từ cuối năm 2015 đến nay, Tịnh xá đã 5 lần bị kẻ gian đột nhập lấy mất 2 tượng Phật, 1 bộ đồ thờ (đều bằng đồng) và 1 hòm công đức.
Ngoài ra, sự chủ quan còn thể hiện ở những trường hợp quá tin tưởng vào cách cất giữ tài sản của mình, nhưng thực tế đã ngược lại.
“Người dân nên gởi tài sản là tiền, vàng ở ngân hàng vì đây là một trong những giải pháp lưu giữ tài sản an toàn. Khi đột nhập vào bất cứ nhà dân nào, thường đối tượng trộm cắp sẽ tìm vàng và tiền để trộm, vì khó bị phát hiện khi tiêu thụ, nếu không có mới tìm đến các tài sản khác, như điện thoại, xe máy”.
Thượng tá Huỳnh Văn Còn, Phó Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh
Cuối tháng 4 vừa qua, anh Nguyễn Vũ Duy (SN 1985 ở tổ 4, KV1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đi làm về phát hiện số tiền hơn 38 triệu đồng, cất trong tủ nhựa không khóa, đã bị kẻ gian đột nhập lấy trộm. Gia đình anh Duy là một trong những hộ khó khăn của khu vực, cả hai vợ chồng không có việc làm ổn định nên lên núi cao dựng chòi bằng tôn sống tạm qua ngày. Số tiền bị mất là tiền vợ chồng anh dành dụm, dự kiến sẽ xây lại căn nhà bằng gạch, đâu ngờ lại gặp rủi mất sạch.
Hiện trường vụ trộm này cho thấy đối tượng dễ dàng nhấc cửa tôn phía sau nhà để đột nhập vào bên trong. Trong căn nhà duy nhất có chiếc tủ nhựa để trong buồng là vật giá trị, vì vậy, kẻ gian nhằm vào tủ này để lục tìm tài sản. Căn nhà anh Duy hết sức sơ sài, từ cửa ra vào đến cửa buồng, hầu như không đóng. Anh Nguyễn Vũ Duy cho biết: “Nhà tôi cheo leo trên núi, nghèo vậy, tôi nghĩ không ai để ý mà vô trộm được. Cũng tính mấy lần đem số tiền đó gửi tiết kiệm cho an toàn nhưng chưa kịp gửi thì đã mất”.
Tuy vậy, đó là suy nghĩ của bị hại. Còn với đối tượng trộm cắp, khi gây án thì nhằm vào những nhà sơ hở chứ không phải chỉ nhắm vào nhà của những gia đình khá giả.
Trước đó không lâu, kẻ gian cũng đã đột nhập vào nhà bà Lê Thị Trông (SN 1965, ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn), cạy két sắt và lấy 6 lượng vàng 24K. Với bà Trông, đây là số tiền mồ hôi nước mắt để dưỡng già. Bà Trông không có chồng con, sống một mình trong căn nhà nhỏ. Cả đời bà lặn lội vào TP Hồ Chí Minh đi giúp việc nhà, đến khi tuổi cao sức yếu không làm nổi nữa, bà về quê, mang theo số tài sản tích góp cả đời để phòng khi bệnh tật. Thay vì gửi ngân hàng cho an toàn, bà Trông mua một két sắt để giữ số vàng trên. Trong khi nhà bà Trông vừa nhỏ, vừa tạm bợ, kẻ gian dễ dàng đột nhập vào nhà, cạy phá két sắt khi bị hại đi vắng.
D.B.SƯƠNG - NGUYỄN SƠN