Dưa hấu, thịt heo, và…
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 4.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu vấn đề: “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt heo, sắp tới còn bị cái gì nữa?”. Câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ không chỉ là sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của người nông dân trước thực trạng sản phẩm làm ra bao lâu nay vẫn không thoát được cảnh “được mùa rớt giá” và ngược lại, mà còn là nỗi lo canh cánh với căn bệnh trầm kha mất cân đối cung cầu trong sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Câu chuyện nóng hổi của những ngày gần đây và hiện nay là giá heo hơi xuống đáy, người nuôi thua lỗ nặng. Bao năm qua, thị trường nông sản Việt Nam luôn không ổn định. Vấn đề không mới, nhà quản lý biết, người nông dân biết nhưng mùa này sang vụ khác họ vẫn cứ loay hoay chưa có lối ra bền vững. Dưa hấu, thịt heo và nhiều nông sản khác nữa không thể mãi theo lối sản xuất chạy theo phong trào, theo kiểu “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” để rồi… “may nhờ rủi chịu”. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của người nông dân trực tiếp sản xuất mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có liên quan.
Thực tế, từ khi heo hơi rớt giá, một số bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương khẩn trương vào cuộc hỗ trợ nông dân tìm đầu ra. Nhưng tất cả chỉ là đối sách nhất thời trong khó khăn chứ vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ, bền vững. Dù đã có những biện pháp “giải cứu” được đưa ra nhưng hiện nay giá heo hơi vẫn không nhích lên là mấy, trong khi giá thịt heo bán trên thị trường vẫn neo ở mức cao.
Nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi heo thời gian qua là do người chăn nuôi trong nước đã tăng đàn heo nuôi để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro. Khi thị trường này siết chặt nhập khẩu heo hơi thì ngay lập tức lượng heo xuất khẩu bị ảnh hưởng, nguồn cung trong nước quá dư thừa đã gây sức ép lên giá thịt heo hơi.
Để tháo gỡ tình hình heo hơi rớt giá, ứ đọng không tiêu thụ được, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm thị trường xuất khẩu thịt heo. Theo đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt heo trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi heo.
Tuy nhiên, giải pháp tổng thể, lâu dài để phát triển chăn nuôi có hiệu quả, bền vững vẫn là việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi heo theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ…
HẢI ÐĂNG