Nghệ sĩ Ðào Trung Nghĩa: Khổ luyện và cầu tiến
Năm 2014, cùng với nhạc công Ðinh Văn Công, Ðào Trung Nghĩa đã giành huy chương Vàng trong Liên hoan Ðộc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại TP Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng). Mới đây, vào tháng 4.2017, với tiết mục độc tấu trống “Vượt sóng ra khơi” tại Liên hoan Ðộc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc, một lần nữa anh lại đoạt huy chương Vàng duy nhất cho Nhà hát tuồng Ðào Tấn. Chìa khóa thành công được nói tóm gọn trong quy tắc - Khổ luyện và cầu tiến.
Nghệ sĩ Đào Trung Nghĩa (người thứ ba từ phải sang) trong dàn nhạc Nhà hát tuồng Đào Tấn.
1.
Ngay từ thời còn bé, Đào Trung Nghĩa đã mơ ước sau này sẽ nối nghiệp cha - NSƯT Đào Duy Kiền - nhạc trưởng chỉ huy và sáng tác âm nhạc tuồng. Nhìn thấy khả năng của con trai, NSƯT Đào Duy Kiền định hướng để anh vào học lớp nhạc công chuyên nhạc cụ trống ở trường Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định.
“Con nhà nòi” lại được đào tạo bài bản, Trung Nghĩa nuôi dưỡng được niềm đam mê với nghệ thuật tuồng. Anh không ngừng học tập, rèn giũa và góp nhặt từng miếng nghề quý từ cha và các thầy dạy. Năm 1997, Trung Nghĩa chính thức “đầu quân” về Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tay nghề của anh ngày càng được nâng cao. Vốn học về trống, nhưng do nhà hát đã có nhiều nhạc công đánh trống trong dàn nhạc, nên anh cố công học thêm đàn nguyệt từ NSƯT Đinh Văn Nhân và trở thành người chuyên đánh đàn nguyệt. Không chỉ có vậy, anh còn “đèn sách” nâng cao trình độ qua chương trình Đại học sư phạm Âm nhạc (do Nhạc viện Huế liên kết đào tạo). Nhờ những nỗ lực liên tục như vậy, mới đây, anh đã được phân công kiêm thêm vai trò chỉ huy dàn nhạc.
Trong công việc, nghệ sĩ Đào Trung Nghĩa là người chịu khó học hỏi và biết cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp.
2.
Trong công việc, Đào Trung Nghĩa là người chịu khó học hỏi và biết cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp. Không chỉ có vậy, anh còn động viên được đồng nghiệp cùng vươn lên. Cùng với tập thể, Đào Trung Nghĩa đã góp sức làm nên thành công của dàn nhạc nhà hát trong nhiều vở diễn. Đặc biệt, nhờ đoàn kết và cùng nhau phấn đấu, tại một số cuộc thi âm nhạc truyền thống những năm gần đây, thành tích của Nhà hát tuồng Đào Tấn cứ đều đặn đi lên.
“Tôi học từ nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là cha mình và NSƯT Gia Thiện từ chi tiết nhỏ về sắc thái, về thủ thuật trình tấu nhạc cụ... sao cho phù hợp với nội dung và tính chất từng câu đoạn nhạc của tiết mục!”
Có thể kể đến các vở diễn “Hồn Việt” (2010), “Sao khuê trời Việt” (2015), “Nước non cửa Phật” (2016) - đây là những vở diễn đoạt huy chương Vàng tại các Cuộc thi, Hội diễn sân khấu Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc. Hoặc như tiết mục “Ðất võ quê tôi” của dàn nhạc Nhà hát tuồng Đào Tấn nhận giải Vàng trong Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất tại Huế (2012)...
Với những đóng góp vào bảng vàng thành tích của Nhà hát tuồng Đào Tấn về âm nhạc dân tộc, năm 2015, anh vinh dự được xướng tên trong 10 công dân tiêu biểu của tỉnh nhà nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2015).
3.
Nói về bí quyết để thành công, Trung Nghĩa trải lòng: Huy chương Vàng các tiết mục “Nhịp phách tương giao”, “Vượt sóng ra khơi” là kết quả của quá trình luyện tập miệt mài trong thời gian dài. Tôi được cái ưu điểm là chịu học và cầu tiến vì vậy không chỉ cha tôi mà các bậc thầy, đàn anh đều sẵn lòng chỉ dạy. Điển hình là NSƯT Gia Thiện. Tôi rất biết ơn sự chỉ dạy tận tình của anh. NSƯT Gia Thiện là người chỉ huy, dàn dựng chương trình giàu kinh nghiệm và tài hoa. Tôi học từ nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là cha mình và NSƯT Gia Thiện từ chi tiết nhỏ về sắc thái, về thủ thuật trình tấu nhạc cụ… sao cho phù hợp với nội dung và tính chất từng câu đoạn nhạc của tiết mục! Mình chịu học và khổ luyện thì từ từ thành công sẽ đến!
Những thành quả mà nghệ sĩ Đào Trung Nghĩa đã giành được là động lực thúc đẩy anh phấn đấu nhiều hơn nữa. Hy vọng sẽ còn được nhiều lần nghe tên anh xướng lên trong những kỳ vinh danh.
THỤC NƯƠNG