Thực hiện Chương trình XDNTM: Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Người dân khá giả thì nông thôn mới sẽ phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giúp người dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động ở nông thôn để sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.
Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều địa phương đã hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế cho thu nhập cao.
- Trong ảnh: Một vườn tiêu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm tại xã Ân Tường Đông (Hoài Ân). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Kết quả tích cực
Theo Văn phòng XDNTM thuộc Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 38/112 xã về đích NTM; bình quân thu nhập của các xã NTM đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Tỉ lệ hộ nghèo tại các xã về đích NTM giảm dưới 5%. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh và chính quyền các địa phương trong việc tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các mô hình sản xuất mới, hiệu quả cao, nhằm thực hiện tốt tiêu chí thu nhập.
Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh - cho biết: Trong năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương, tỉnh đã chi trên 13 tỉ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho 94 xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên hỗ trợ cho 45 xã thuộc diện khó khăn và bãi ngang ven biển, mỗi xã được hỗ trợ 223 triệu đồng; các xã còn lại được hỗ trợ từ 56 - 73 triệu đồng để mua giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, 13 xã XDNTM đã thực hiện cải tạo vườn tạp bằng các loại cây như dừa xiêm, hồ tiêu, bưởi da xanh, bơ sáp... với tổng diện tích 290 ha tại 991 hộ; 11 xã thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, đậu phụng, bắp... với diện tích 45 ha; 51 xã hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển chăn nuôi bò lai sinh sản, bò vỗ béo với tổng số 685 con. Một số xã bãi ngang ven biển được tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi tôm hùm xanh bằng lồng trên biển. Nhờ vậy, nhiều hộ đã có thu nhập đáng kể từ trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Là địa phương có xuất phát điểm thấp, để XDNTM thành công, huyện xác định phải huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia, trong đó tập trung phát huy vai trò chủ thể của người dân; lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tạo tiền đề để thực hiện các tiêu chí NTM. Trong nhiều năm qua, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, hình thành các trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Huyện đã quy hoạch và phát triển mạnh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, bưởi da xanh, bơ sáp, dừa xiêm, tạo hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện. Đến cuối năm 2016, toàn huyện có 4/15 xã về đích XDNTM; bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn huyện đạt 27,2 triệu đồng/người/năm; tăng hơn gấp đôi so với năm 2010.
Điển hình trong sự nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế ở Hoài Ân là xã Ân Đức. Ông Trần Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Ân Đức, cho biết: Trong 5 năm (2012-2016), xã đã hỗ trợ 260 triệu đồng để mua các loại giống cây trồng mới giúp nông dân cải tạo vườn tạp. Ngoài ra, xã đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp toàn diện; thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, xây dựng mô hình các cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 80 ha ở 2 thôn Khoa Trường, Gia Trị với 261 hộ tham gia. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân của xã đạt 75 tạ/ha, tăng hơn 5 tạ/ha so với mức bình quân chung của huyện. Xã cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; toàn xã có 2 trang trại, 365 gia trại với tổng đàn trâu, bò 813 con, đàn heo 24.000 con, đàn gia cầm 23.000 con. Ân Đức về đích NTM vào cuối năm 2016; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 27 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%.
Tiếp tục hỗ trợ nâng cao tiêu chí thu nhập
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu: Trong XDNTM, thu nhập là tiêu chí hết sức quan trọng, có vai trò chi phối đến các tiêu chí khác. Một khi thu nhập ổn định thì bà con có điều kiện để thực hiện sửa sang nhà cửa, sử dụng nước sạch, quan tâm đến vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa... Thu nhập ổn định, bà con còn tham gia đóng góp thực hiện có hiệu quả các chương trình khác ở địa phương. Do vậy, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tùy theo lợi thế từng vùng, nhằm tạo nên các chuỗi giá trị liên kết sản xuất. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tại các xã NTM phải đạt từ 41 triệu đồng/năm trở lên.
Ông Đào Văn Hùng cho biết: Trong năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ gần 13 tỉ đồng giúp các xã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các xã thuộc diện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển. Sở NN&PTNT đang hướng dẫn các địa phương xây dựng chuỗi giá trị một số sản phẩm chủ lực tại từng địa phương. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh sẽ hỗ trợ vật tư, phân bón phục vụ sản xuất lúa lai tại 3 huyện miền núi gồm Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão; hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng bưởi da xanh tại Hoài Ân và Hoài Nhơn. Hỗ trợ các huyện thuộc diện 30a và 135 cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp phối giống trực tiếp; hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Trên lĩnh vực thủy sản, tỉnh ưu tiên hỗ trợ người dân nuôi tôm hùm lồng tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Đồng thời, hỗ trợ người dân các xã bãi ngang ven biển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hàu dây, cá đối, cá chua.
NGUYỄN HÂN