Các điểm truyền dạy võ cổ truyền tại trường học ở Quy Nhơn: Góp phần gầy dựng phong trào luyện tập
Những năm gần đây, phong trào luyện tập võ cổ truyền ở TP Quy Nhơn có bước phát triển khá, khi nhiều trường học quan tâm cho mở lớp dạy võ cổ truyền cho học sinh.
Đầu năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc thực hiện chương trình đưa võ cổ truyền Bình Định vào trường học năm học 2015 - 2016 và giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu Sở GD&ĐT hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy võ cổ truyền Bình Định trong thời gian ngoại khóa cho học sinh từ năm học 2015-2016. Đặc biệt, từ năm học 2017 - 2018, sẽ bổ sung môn võ cổ truyền vào nội dung chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện và tỉnh.
Luyện tập võ cổ truyền tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn).
Nhiều trường mở lớp dạy võ cổ truyền
Ngoài việc giảng dạy ngoại khóa, Chỉ thị số 03 đã góp phần tác động thêm nhiều trường học quan tâm cho mở các lớp truyền dạy võ cổ truyền cho học sinh sau giờ học nhiều hơn so với trước đây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 15 trường tiểu học, THCS, THPT có mở lớp võ cổ truyền, thu hút nhiều học sinh theo học. Tại một số điểm trường, các lớp võ cổ truyền do các võ sư, HLV của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định trực tiếp truyền dạy.
HLV võ cổ truyền Nguyễn Minh Thông, giáo viên thể dục Trường THPT Trần Cao Vân, cho biết: “Thấy em nào có năng khiếu võ cổ truyền thì mình tuyển chọn quan tâm truyền dạy nâng cao hơn. Ngoài việc duy trì tập luyện thường xuyên, thì phải kèm cặp tập luyện nội dung thi ít nhất 2-3 tháng mới có thể tham gia giải tỉnh. Tôi đã giới thiệu một học trò nữ ở trường có tố chất phát triển tốt được tuyển chọn vào đội tuyển trẻ của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh”.
Không chỉ tập trung ở các trường nội thành, việc mở lớp dạy võ cổ truyền cũng bắt đầu được các trường ở ngoại thành quan tâm. Cách đây khoảng nửa năm, Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (phường Trần Quang Diệu) đã mời được võ sư Nguyễn Thị Kim Huệ (ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) về truyền dạy. Cùng phụ giúp võ sư Kim Huệ còn có HLV Nguyễn Minh Thông (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định).
Đến tìm hiểu các lớp võ này vào tối 5.5, tôi thấy hơn 30 võ sinh đang hăng say luyện tập quyền, roi trong sân trường. Cuối buổi học, các em rất hào hứng khi được trao giấy chứng nhận “đạt chuyên môn võ thuật cổ truyền” trong kì thi lên đai được tổ chức vào ngày 16.4 vừa qua.
Sau thời gian gắn bó luyện tập và thi kiểm tra, võ sinh ở Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến được trao giấy chứng nhận đạt chuyên môn võ thuật cổ truyền.
Góp phần gầy dựng phong trào
Hiện nay, hầu hết người đứng lớp truyền dạy võ cổ truyền ở các trường phổ thông tại TP Quy Nhơn, đều là các võ sư, HLV có chuyên môn vững vàng, được đào tạo bài bản, giàu tâm huyết và kinh nghiệm.
Khi các trường yêu cầu, các HLV, võ sư này đã trực tiếp truyền dạy hoặc hỗ trợ cho giáo viên thể dục của trường dạy võ cổ truyền cho học sinh theo chương trình đã tập huấn chung toàn tỉnh của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định.
HLV Nguyễn Văn Khương là người gắn bó với việc truyền dạy võ cổ truyền môn phái võ sư Phan Thọ (huyện Tây Sơn) cho học sinh ở Quy Nhơn trong 5 năm qua. Các lớp võ ở 4 trường tiểu học, THPT do anh phụ trách, hiện có chừng 200 học sinh tham gia luyện tập. Ngoài các lớp võ riêng, anh còn nhận lời dạy võ cổ truyền theo nội dung tập huấn trong giờ học ngoại khóa ở các trường, nơi giáo viên của trường đó chưa đảm nhận được việc này.
“Để tạo sự hứng thú cho học trò theo đuổi luyện tập, tôi thường dành thời gian phân tích cho các em về ý nghĩa, giá trị của võ cổ truyền gắn với truyền thống lịch sử, tinh thần thượng võ hào hùng bảo vệ đất nước của dân tộc. Hoặc phân tích các thế võ cho các em hiểu, tôi thường gắn đó với việc ứng dụng vào tự vệ thiết thực”, HLV Nguyễn Văn Khương chia sẻ.
Các lớp võ cổ truyền tại trường học cũng góp phần mở rộng “vùng phủ sóng” tuyển chọn, bồi dưỡng các võ sinh có năng khiếu. Một số học sinh được các HLV cho tham gia “thử lửa” và đạt thành tích cao nội dung hội thi ở Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh. Điển hình như lớp võ cổ truyền ở Trường THPT Trần Cao Vân. Lớp võ này, ban đầu do võ sư Nguyễn Văn Cảnh (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định) đích thân đứng lớp. Ông truyền dạy và gầy dựng lứa học trò đầu tiên rấ́t chu đáo, kỹ càng với nền tảng căn bản tốt. Chính những võ sinh này về sau đã cùng ông hỗ trợ việc truyền dạy, chỉnh sửa, phụ giảng. Nhờ đó, chẳng những chất lượng truyền dạy đã tăng cao, lớp võ trở nên hào hứng, lôi cuốn hơn mà thành tích thi đấu mà võ sinh của trường giành được cũng nhiều và phong phú hơn.
HOÀI THU