5 thách thức chờ đợi tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Với số phiếu giành được khoảng 66%, ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron đã nắm chắc trong tay chiến thắng, trở thành tổng thống mới của nước Pháp, hạ gục đối thủ Marine Le Pen (ảnh) - người chủ trương đưa nước Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Rất nhiều thách thức cam go đang chờ đợi ông Emmanuel Macron khi trở thành người đứng đầu Điện Elysee, đó là thống nhất một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc, giải quyết tình trạng thất nghiệp cao ngất ngưỡng và thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu vốn bị lung lay sau Brexit, tuy nhiên trọng tâm trước mắt vẫn là cuộc chiến nhằm giành quyền đa số tại Quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.
1. Thống nhất nước Pháp
Ông Macron, người chủ trương ủng hộ EU, sẽ tiếp quản một đất nước bị chia rẽ khi có tới một nửa cử tri ủng hộ ứng viên Le Pen, người có quan điểm bài xích EU và chống toàn cầu hóa, tại vòng đầu của cuộc bỏ phiếu.
Pháp đang bị phân chia thành "hai nước Pháp đối lập", giữa một bên là các vùng đô thị sung túc hơn và có tư tưởng cải cách hơn với một bên là các vùng nghèo khó, còn gọi là vùng ngoại biên ủng hộ phe cực hữu.
Ông Macron cũng thừa biết rằng, rất nhiều cử tri đã bỏ phiếu cho ông không phải bởi vì họ tin tưởng ông, mà chỉ đơn giản là nhằm ngăn cản ứng viên Le Pen lên nắm quyền và sự ủng hộ này e rằng sẽ không còn tại cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
2. Giành quyền đa số trong Quốc hội
Ông Macron từng cam kết vượt lên trên các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống để tạo ra một đảng đa số trung dung mới. Và ông đã thành lập một đảng riêng En Marche (Tiến bước) chỉ chưa đầy một năm trước, song lại thu hút hàng trăm ngàn người ủng hộ.
Nhờ đó, mà tại vòng đầu của cuộc bầu cử ông Macron đã giành được 1/4 số phiếu bầu. Tại vòng đua trực tiếp với ứng viên Le Pen, ông chiếm được gần 2/3 phiếu bầu.
Nhiệm vụ trước mắt của ông hiện giờ là làm thế nào để chuyển sự ủng hộ ở mức cao kỷ lục này thành một thế mạnh giúp ông chiếm được chỗ đứng vững chắc trong Quốc hội.
Sau thành công của cuộc bầu cử tổng thống, ông Macron tin rằng người dân Pháp sẽ trao cho ông cơ hội chiến thắng khác trong cuộc bầu cử Quốc hội, dự kiến tổ chức từ ngày 11-18.6. Tuy nhiên, ứng cử viên đảng trung hữu Francois Fillon, người bị rớt ngay tại vòng đầu do dính vào vụ bê bối tài chính tạo việc làm giả, có ý định sẽ trả đũa và buộc ông Macron phải ký kết một thỏa thuận liên minh trong Quốc hội.
Trong khi đảng cánh tả, vốn đang rất tự tin sau thành công ở vòng đầu của ứng cử viên Jean-Luc Melenchon với số phiếu cao chưa từng có tiền lệ 19,6%, cũng đang có ý định tương tự.
3. Cải cách Luật Lao động
Ông Macron rất lo lắng trước vấn đề việc làm của đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp hiện đứng 10%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình 8% tại châu Âu và cách biệt rất lớn so với nước láng giềng Đức chỉ có 3,9%.
Cũng như các vị tiền nhiệm, ông Macron sẽ phải ưu tiên vấn đề giải quyết việc làm và điều này có nghĩa là ông phải cải cách các bộ luật lao động của đất nước bằng các sắc lệnh ngay trong những tháng đầu tiên lên cầm quyền.
Tuy nhiên, việc ban bố các sắc lệnh để cải cách thị trường lao động có nguy cơ dẫn đến các cuộc biểu tình, đình công phản đối mạnh mẽ. Đây là điều mà những người tiền nhiệm trước của ông Macron gặp phải.
Ông Macron từng đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% vào cuối nhiệm kỳ (tức năm 2022) bằng việc tự do hóa luật lao động, cắt giảm tỷ lệ doanh nghiệp và nới lỏng những giới hạn về làm việc 35 giờ mỗi tuần hiện nay.
4. Mối đe dọa khủng bố
Vụ sát hại một nhân viên cảnh sát trên đại lộ Champs Elysees ở trung tâm thủ đô Paris của Pháp chỉ 3 ngày trước vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp là một lời nhắc nhở rõ ràng về mối đe dọa khủng bố đang hiện hữu ở Pháp.
Hơn 230 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố tại Pháp kể từ tháng 1.2015, trong đó có nhiều vụ được tiến hành bởi các thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
Đáng lo ngại hơn là có hàng trăm chiến binh IS là công dân Pháp quay trở về nước trong những năm gần đây sau một thời gian hoạt động ở Iraq và Syria.
Vốn là người chưa từng có tí nghiệm nào trong việc giải quyết vấn đề này, ông Macron chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn khi phải nhanh chóng thể hiện bản lĩnh của mình trong việc đối phó với những thách thức như vậy và đóng vai trò là thủ lĩnh trong cuộc chiến chống khủng bố tại Pháp.
Tướng Jean-Paul Palomeros, cố vấn của ông Macron, nhận định Pháp có thể sẽ tiếp tục duy trì các cam kết quân sự của mình tại Trung Đông và châu Phi.
Ngoài ra, ông Macron cũng muốn củng cố các đường biên giới với EU và kêu gọi tăng cường tiềm lực cho Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu.
5. Cải cách EU
Ông Macron xem việc thúc đẩy liên minh Pháp-Đức là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng lại châu Âu, vốn bị lung lay sau vụ Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư.
Ngay trong những tháng đầu tiên lên cầm quyền, ông Macron dự định sẽ có chuyến công du tới các nước châu Âu để xây dựng một lộ trình kế hoạch 5 năm nhằm xây dựng một ngân sách thực sự cho khu vực đồng euro cũng như một EU với 27 nước thành viên hoạt động vì môi trường, công nghiệp và điều tiết nhập cư.
Tuy nhiên, nhà phân tích Vincenzo Scarpetta thuộc trung tâm tham vấn Open Europe e rằng ông Macron sẽ đương đầu với nhiều khó khăn phía trước. Ý tưởng cải cách EU của ông Macron rất táo bạo khi muốn xây dựng một ngân sách cho Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và một bộ trưởng Eurozone.
Ngoài ra, ông Macron cũng muốn phát triển quốc phòng chung cho châu Âu thông qua các chương trình phối hợp hành động và các chương trình công nghiệp trong lĩnh vực này.
Hồng Hà (theo Straits Times)