Đề thi THPT quốc gia sắp xếp từ dễ đến khó
Đề thi trắc nghiệm sẽ sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, do vậy thí sinh tùy vào học lực của mình để đọc đề đến đâu làm chắc chắn đến đó mà không cần phải đọc hết đề để chọn câu hỏi dễ như trước đây.
Ảnh minh họa
Đó là một trong những chia sẻ của tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), với phóng viên xung quanh việc chuẩn bị ra đề thi THPT quốc gia.
60% câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản
- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đề thi được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ngay sau khi công bố phương án thi, Bộ đã tiến hành triển khai hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phục vụ cho xây dựng đề thi của kỳ thi.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Khi tổ chức kỳ thi chính thức, Bộ sẽ thành lập hội đồng đề thi gồm các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác xây dựng đề thi, làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn để chính thức chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa nhằm xây dựng đề thi phục vụ cho kỳ thi.
- Đề thi năm nay được phân hóa ra sao? Các câu hỏi trong đề được sắp xếp thế nào?
Với mục đích tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thì đề thi năm nay sẽ bảo đảm khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản để đánh giá học sinh đạt kết quả tốt nghiệp THPT (ở mức độ nhận biết và thông hiểu), 40% số câu kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao để phân hóa học sinh (ở mức độ vận dụng và vận dụng cao).
Điểm khác biệt so với đề thi các môn thi trắc nghiệm khách quan của các năm trước đây là các câu hỏi trong đề thi của các môn năm nay theo hình thức trắc nghiệm khách quan sẽ được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó ở tất cả các mã đề (đối với các môn ngoại ngữ có tính đặc thù riêng nên việc sắp xếp cấp độ của các câu hỏi thi sẽ được bố trí tối ưu theo quy luật trên).
Việc sắp xếp các câu hỏi trong đề thi như thế này sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh làm bài thi theo tuần tự các câu hỏi trong đề thi mà không cần mất thời gian đọc toàn bộ đề và tạo cảm hứng cho các em trong quá trình làm bài thi. Đặc biệt, việc sắp xếp các câu hỏi trong đề thi như vậy sẽ đánh giá sát thực hơn nữa năng lực của các thí sinh.
Chọn bừa dễ bị điểm liệt
- Với cách sắp xếp đề thi như vậy, ông có lưu ý gì với thí sinh trong quá trình làm bài để đạt hiệu quả cao nhất?
Với cách sắp xếp như vậy, học sinh cứ làm tuần tự từ những câu hỏi đầu tiên đến hết mà không mất thời gian đọc hết đề để chọn ra những câu dễ làm trước. Những thí sinh có học lực chưa giỏi nên tập trung vào phần lớn các câu hỏi ở phần đầu của đề thi gắn với các cấp độ cơ bản của đề thi (khoảng 60%). Thí sinh khá, giỏi làm lần lượt từ trên xuống dưới, đọc đến đâu làm chắc chắn đến đó.
- Có ý kiến cho rằng, với hình thức thi trắc nghiệm thì "chọn bừa" như vậy vẫn đạt ít nhất 2,5 điểm. Điều đó có đúng không, thưa ông?
Những năm trước, có thể đáp án đúng của các câu hỏi thi trong một mã đề thi được chia đều cho 4 phương án A, B, C, D. Tức là mỗi phương án lựa chọn đều có thể có 25% là số đáp án đúng rơi vào phương án lựa chọn đó. Vì vậy, nếu thí sinh "chọn bừa" toàn A hoặc toàn B... thì sẽ được khoảng 2,5 điểm của bài thi.
Tuy nhiên, năm nay, việc tổ hợp các đề thi và bố trí vị trí các đáp án đúng của các câu hỏi thi là do máy tính tự động rút và sắp xếp, do đó rất có thể có những phương án lựa chọn A hoặc B hoặc C hoặc D của một số mã đề sẽ chỉ có khoảng 10% là đáp án đúng rơi vào phương án lựa chọn đó. Vì vậy, nếu thí sinh cứ “chọn bừa” tất cả bài thi là một phương án thì có thể vô tình chọn vào phương án chỉ có 10% đáp án đúng, như vậy thí sinh chỉ được 1 điểm môn đó dẫn đến bị điểm liệt và trượt tốt nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Chinhphu.vn