Vụ việc tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng: Chưa được giải quyết rốt ráo
Trước bức xúc của nhiều ngư dân về chất lượng tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định (NÐ) 67/2014 của Chính phủ, vừa qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của 2 cơ sở đóng tàu, ngành chức năng các địa phương và ngư dân có tàu bị hư hỏng để làm rõ nguyên nhân và bàn giải pháp khắc phục. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, xung quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết thực trạng tàu cá vỏ thép của ngư dân tỉnh ta bị hư hỏng?
Ông Phan Trọng Hổ
- Hiện nay có 13 đơn vị tham gia đóng tàu theo NĐ 67/CP cho ngư dân tỉnh ta, nhưng kết quả kiểm tra của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, phần lớn tàu cá vỏ thép bị sự cố hư hỏng do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) thực hiện. Đối với 3/5 tàu cá vỏ thép của ngư dân Võ Tuân ở huyện Phù Mỹ; Mai Văn Chương và Trần Minh Vương cùng ở huyện Phù Cát (do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thực hiện và bàn giao trong năm 2016) đều có sự cố.
Cụ thể, tàu cá BĐ 99018 TS của ông Tuân (đưa vào sử dụng trong tháng 4.2016) có hiện tượng vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong gỉ sét, bong tróc, xuống cấp trầm trọng; phần van ống bị gỉ sét, xuống cấp; đường dẫn nước biển làm mát máy bị hỏng, gãy, nước chảy vào tàu; két dầu bị hỏng gây chảy dầu và nước biển tràn vào làm hư máy chính và 1 máy phát điện. Tàu cá BĐ 99179 TS của ông Chương (đưa vào sử dụng trong tháng 8.2016) thì vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong gỉ sét, bong tróc, xuống cấp trầm trọng; hầm bảo quản bị ngập nước; van buồng máy bị gỉ, đứt, chảy nước vào tàu; dàn lạnh không ổn định; máy dò cá có đầu dò bị hỏng không hoạt động được. Tàu cá BĐ 99027 TS của ông Vương, phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong cũng gỉ sét, bong tróc, xuống cấp trầm trọng; máy chính bị chết máy do các két dầu bị rò rỉ nước; van dẫn nước biển làm mát máy bị gỉ sắt, gãy.
Kết quả kiểm tra 4/20 tàu cá vỏ thép mang số hiệu: BĐ 99279 TS của ông Trương Hoài Khánh (TP Quy Nhơn); BĐ 99016 TS của ông Lê Văn Thãi; BĐ 99144 TS của ông Phạm Minh Vương và BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh cùng ở huyện Phù Cát do Công ty TNHH MTV Nam Triệu thực hiện cũng bị hư hỏng. Tàu của ông Thãi, máy chính bị hỏng hộp số, kim phun; máy phát điện Cummin, nước giải nhiệt không ra; hầm lạnh bảo quản sản phẩm bị hỏng. Tàu của ông Vương, bơm nước buồng lái và quạt hút bị hỏng; toàn bộ dàn gọng mành chụp bị đứt, gãy; toàn bộ khoen lưới chụp không sử dụng được. Tàu của ông Khánh, vỏ tàu bị gỉ sét, xuống cấp; máy chính bầu nước ngọt bị nứt, bơm bét hỏng, hộp số hỏng; máy điện công suất không đúng với hợp đồng, hầm bảo quản không giữ được nhiệt.
Nhìn chung, tàu cá vỏ thép trị giá hàng chục tỉ đồng mới đưa vào sử dụng đã bị gỉ sét, hư hỏng là chuyện bất thường.
Hai tàu cá vỏ thép của ngư dân xã Cát Khánh (Phù Cát) mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng.
* Phản ứng của các cơ sở đóng tàu và ngư dân tại cuộc họp như thế nào?
- Tại cuộc họp diễn ra ngày 5.5 do Sở NN&PTNT tổ chức, sau khi nghe chúng tôi công bố kết quả kiểm tra tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, doanh nghiệp và ngư dân đều phản ứng khá quyết liệt. Ngư dân đều cho rằng, tàu do các cơ sở đóng kém chất lượng. Thời gian sử dụng 5% phí trị giá con tàu để bảo hành tàu sắp hết, nhưng khi tàu bị hư hỏng, các cơ sở đóng tàu không sử dụng khoản phí nói trên để sửa chữa kịp thời. Khi tàu bị sự cố, ngư dân đã làm đơn và liên lạc nhiều lần với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhưng cơ sở đóng tàu chỉ cử cán bộ kỹ thuật sửa chữa các trang thiết bị bị hư hỏng nhẹ, làm qua loa đại khái, chưa thực hiện nghiêm túc việc bảo hành vỏ tàu.
Còn Công ty TNHH MTV Nam Triệu có cử cán bộ kỹ thuật đến sửa chữa, bảo hành, nhưng rất chậm, máy chính phải sửa chữa, thay thế nhiều lần nhưng chưa khắc phục triệt để đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và việc hoàn trả nợ vay của ngư dân. Một số ngư dân còn cho rằng, hợp đồng đóng tàu có ghi sử dụng thép Hàn Quốc để đóng tàu, nhưng doanh nghiệp lại sử dụng thép có xuất xứ từ Trung Quốc, nên chất lượng không đảm bảo, tàu nhanh bị gỉ sét, hư hỏng.
Các công ty đóng tàu cho rằng, họ mua máy tàu tại các đơn vị có uy tín, và đã giải quyết kịp thời tàu bị hư hỏng. Tàu cá nhanh bị hư hỏng là do ngư dân bảo dưỡng, bảo trì không phù hợp; một số chủ tàu, thuyền trưởng chưa nắm bắt quy trình vận hành tàu và cũng chưa hiểu rõ phần nào không nằm trong danh mục bảo hành.
Về chất lượng thép sử dụng để đóng tàu, các cơ sở đóng tàu cho rằng, trong hợp đồng không thể hiện phải sử dụng thép Hàn Quốc, Trung Quốc hay thép Nhật Bản mà chỉ đề cập đến thép đủ chất lượng, do vậy ngư dân không thể khiếu nại về vấn đề này.
Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cũng cho rằng công ty đóng tàu đúng theo thiết kế, ngư lưới cụ đúng theo thiết kế, việc kiểm định đúng theo quy định nhà nước.
* Còn về phương án khắc phục tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, thưa ông?
- Tàu cá vỏ thép của ngư dân mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng là có thực, còn nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì khó xác định bởi cả doanh nghiệp và ngư dân đã đổ lỗi cho nhau. Việc tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ tại tỉnh ta và thu nhập của ngư dân. Tiến độ hoàn trả nợ vay ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Tại cuộc họp, Sở NN&PTNT đưa ra quan điểm: Nếu các đơn vị đóng tàu không có giải pháp giải quyết tình trạng tàu cá vỏ thép của ngư dân mới đưa vào sử dụng bị hư hỏng, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT chỉ đạo, xử lý. Sau khi bàn bạc, bước đầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu hứa kiểm tra toàn bộ tàu cá do doanh nghiệp đóng bị hư hỏng và chịu toàn bộ chi phí sửa chữa.
Còn Công ty TNHH Đại Nguyên Dương chỉ đồng ý hỗ trợ cho mỗi tàu bị hư hỏng trên 100 triệu đồng chi phí vẽ thiết kế tàu và sơn sửa lại con tàu. Tuy nhiên, ngư dân không đồng thuận với mức hỗ trợ nói trên, bởi để sửa chữa lại toàn bộ hư hỏng mỗi con tàu phải mất đến 495 triệu đồng. Sở NN&PTNT tiếp tục kiểm tra, theo dõi các doanh nghiệp đóng tàu khắc phục tàu cá bị hư hỏng, đồng thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT xem xét, chỉ đạo.
PHẠM TIẾN SỸ (thực hiện)
Cứ cãi nhau thế này thì đến năm 2020 chưa xong, ngư dân lấy đâu ra tiền để trả ngân hàng. Yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, cần thiết thì báo cáo Thủ tướng. Yêu cầu các nhà máy đóng tàu đổi máy mới vì trong thời gian bảo hành. Hơn nữa yêu cầu các cơ quan pháp lý kiểm tra tính xác thực của xuất xứ hàng hoá xem có đúng như cam kết máy nhập từ Nhật Bản không? Nhờ văn phòng Mitsubishi tại Hà Nội chứng thực xem có đúng máy thuỷ không, giống như vụ BMW giả mạo chứng từ, các cơ quan chức năng mời đại diện BMW Đức sang kiểm tra và cuối cùng BMW Đức xác nhận là không phải. Giám đốc BMW bị bắt rồi. Cty sẽ bị truy thu hàng ngàn tỷ thuế. Giải pháp : Thay máy mới, đưa tàu về nhà máy làm lại vỏ mới. Xong!