Hỗ trợ người chăn nuôi “giải cứu” đàn heo
Trước tình hình giá heo hơi giảm mạnh và khó tiêu thụ, ngày 8.5, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi giải quyết khó khăn trước mắt và duy trì phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng trực tiếp kiểm tra tình hình chăn nuôi heo tại huyện Hoài Ân và chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp giúp người chăn nuôi tháo gỡ khó khăn. Ảnh: T.Sỹ
Cung - cầu bất cập
Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, giá heo hơi liên tục giảm và rất khó tiêu thụ. Hiện các hộ chăn heo nuôi nhỏ lẻ chỉ bán được từ 18.000-20.500 đồng/kg; các gia trại từ 21.000-22.500 đồng/kg. Điều đáng nói là trong khi giá heo hơi giảm sâu và khó tiêu thụ, nhưng giá thịt heo bày bán tại các chợ, siêu thị trong tỉnh đang ở mức 70.000-80.000 đồng/kg. Tình trạng trên kéo dài đã giúp các thương lái, siêu thị… kinh doanh buôn bán heo và thịt heo có lãi lớn, còn người chăn nuôi bị thua lỗ nặng.
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Hoài Ân còn 30.000 con heo thịt và 50.000 con heo con giống không tiêu thụ được. Đầu ra sản phẩm thấp và khó tiêu thụ, khiến đời sống của người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng nợ dây chuyền đầu tư chăn nuôi heo khoảng 700 tỉ đồng đã kéo dài rất dễ xảy ra khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo trong thời điểm này cũng gặp khó khăn”.
Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian tới giá heo hơi trong nước nói chung, tỉnh ta nói riêng sẽ còn ở mức thấp. Lượng thịt heo đông lạnh nhập vào nước ta vẫn còn nhiều, trong khi các nhà máy giết mổ gia súc (GMGS) và nhà máy đông lạnh bảo quản sản phẩm gia súc không nhiều, nên hoạt động thu mua, dự trữ thịt heo để bán khi cần thiết rất hạn chế. Tình trạng phát triển chăn nuôi heo tự phát tại các địa phương chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Ngành chức năng cũng chưa quản lý và kiểm soát được giá heo hơi bán tại chuồng trại và giá thịt heo bán tại chợ, siêu thị, nên có sự chênh lệch lớn.
Hỗ trợ “giải cứu” thế nào?
Tại cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, đề xuất: UBND tỉnh tổ chức phát động tháng cao điểm kêu gọi toàn dân tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan thông tấn, báo chí, hội-đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng (NTD) tích cực hưởng ứng tiêu thụ thịt heo giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về quy trình chăn nuôi, sử dụng thức ăn hiệu quả, quản lý tốt dịch bệnh, nhằm hạ giá thành sản phẩm. Các sở, ngành không cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo bố mẹ, heo thịt trên địa bàn tỉnh. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) sớm triển khai chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để duy trì, khôi phục sản xuất chăn nuôi.
Các địa phương, đơn vị đề nghị các sở: Tài chính, Công Thương nhanh chóng xây dựng khung giá thành của thịt heo các loại sau khi giết mổ so với giá heo hơi hiện tại để quy định mức khung giá thịt heo các loại phù hợp và công khai để NTD biết, mua về sử dụng. Tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, tiêu thụ thịt heo và hoạt động niêm yết công khai giá tại các chợ, siêu thị; đôn đốc các địa phương xây dựng và đưa quầy bán thịt heo vào hoạt động. Các đơn vị, hội-đoàn thể khác kêu gọi, vận động các doanh trại quân đội, công an, bộ đội biên phòng, các DN, trường học… tiêu thụ thịt heo. Các DN, đại lý sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chính sách hỗ trợ giảm giá thức ăn chăn nuôi và công khai giá bán để người dân biết.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cấp, các ngành xem việc hỗ trợ người chăn nuôi tháo gỡ khó khăn là nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện một cách quyết liệt. Trong 2 ngày 8 và 9.5, UBND các huyện, thành phố, thị xã phải tổ chức xây dựng mỗi xã 1 điểm bán thịt heo, giá thịt phải thấp hơn giá bày bán tại các chợ ít nhất từ 15-20%, để kích thích NTD mua về sử dụng. Các sở, ngành chức năng đề xuất giá heo thịt hợp lý, nhằm bình ổn giá; liên hệ các DN, trang trại chăn nuôi GMGS đưa vào các điểm bán đã xây dựng; đề xuất chính sách hỗ trợ phí GMGS và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các NHTM cùng chính quyền các địa phương kiểm tra, xem xét cơ cấu nợ vay của người chăn nuôi có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ vay. Các nhà máy thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng phải giảm giá thức ăn chăn nuôi ít nhất 10% so với giá hiện tại, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tháo gỡ khó khăn trước mắt. Về lâu dài, Sở NN&PTNT quy hoạch lại ngành chăn nuôi gắn với các chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Sở KH&ĐT không chấp nhận đầu tư đối với các DN muốn xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi và ngừng cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các DN đầu tư nuôi heo giống nhưng chuyển sang nuôi heo thịt. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thịt gia súc.
TIẾN SỸ