IMF: Châu Á sớm hành động đối phó tình trạng dân số già hóa
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thúc giục các nền kinh tế châu Á sớm có kế hoạch đối phó với thực trạng già hóa dân số tăng nhanh chóng.
Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng già hóa lẫn thu hẹp dân số.
Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF công bố hôm nay (9.5) nhấn mạnh, trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đang được hưởng "lợi tức dân số" - sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được tạo ra bởi lợi thế có được từ nhóm dân số đang ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số lượng người cao tuổi tăng nhanh đang tạo ra một gánh nặng đối với tăng trưởng.
"Thích ứng với sự già hóa dân số sẽ trở thành thách thức lớn đối với châu Á, khi dân số tại nhiều nước khu vực có mức thu nhập tương đối thấp đang trở nên già hóa nhanh chóng. Một số nước châu Á đang đối mặt tình trạng già hóa dân số trước khi trở nên giàu có" - trích báo cáo.
Tỷ lệ tăng dân số ở châu Á được dự báo rơi xuống mức 0% vào năm 2050 và tỷ lệ đóng góp của dân số trong độ tuổi lao động (hiện đang ở mức đỉnh điểm) sẽ sụt giảm trong những thập kỷ tới. Trong khi sự đóng góp của dân số ở độ tuổi 65 trở lên sẽ tăng nhanh chóng và đạt gần 2,5 lần so với mức hiện tại vào năm 2050.
Những thách thức dân số đối với Nhật Bản đặc biệt lớn, khi nước này đang đối mặt cả về già hóa lẫn thu hẹp dân số. Lực lượng lao động của Nhật Bản đã giảm hơn 7% trong vòng hai thập kỷ qua.
Tỷ lệ dân số sống nhờ vào lương hưu cao là nguyên nhân gây ra tình trạng dư thừa lượng tiền gởi tiết kiệm và đầu tư thấp, tạo gánh nặng cho tăng trưởng và là một phần nguyên nhân khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản duy trì mức lạm phát dưới 2%.
IMF kêu gọi các quốc gia châu Á nhìn vào Nhật Bản để học hỏi và sớm có biện pháp đối phó với những cơn gió ngược cấu trúc nhân khẩu học, chẳng hạn như ban hành các chính sách củng cố tài chính đáng tin cậy, tăng cường sự đóng góp của dân số nữ và lớn tuổi, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội.
Hồng Hà (theo Reuters)