Indonesia - thị trường thương mại di động mới nổi của thế giới
Theo nghiên cứu của Liên minh không tiền mặt (Better Than Cash Alliance) trực thuộc Liên hiệp quốc, Indonesia đang trở thành một cường quốc mới nổi trong thị trường thương mại di động thế giới.
Indonesia là một trong những quốc gia đi đầu trong xu hướng mobile first (di động đầu tiên) ở châu Á.
Sức mua của tầng lớp trung lưu tăng mạnh cộng với việc thích ứng nhanh với công nghệ mới đang tạo ra sự bùng nổ đối với dịch vụ bán điện thoại qua mạng trực tuyến ở Indonesia. Đây là lý do vì sao các chuyên gia dự báo Indonesia sẽ trở thành một thị trường thương mại di động hùng mạnh mới của châu Á.
Trong năm 2016, thị trường thương mại di động của Indonesia đã tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế lớn nhất châu Á với dân số hơn 260 triệu dân này đang được xem là một cường quốc mới trong lĩnh vực thương mại di động, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thị trường này dự kiến sẽ tăng lên 130 tỷ USD vào năm 2020, với tăng trưởng hàng năm đạt 50% - theo Bộ Thông tin và Viễn thông Indonesia.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này một phần nhờ BlackBerry đưa vào hoạt động dịch vụ ví điện tử hay dịch vụ thanh toán di động trên BBM vào năm 2015. Ứng dụng chat BBM thu hút hơn 55 triệu người truy cập ở Indonesia và cho phép người sử dụng thanh toán tiền hàng hóa và dịch vụ qua mạng. Ứng dụng này được sản xuất dựa trên ý tưởng hệ sinh thái khổng lồ của WeChat, một ứng dụng tin nhắn hàng đầu và giải pháp ví điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc.
Indonesia là một trong những quốc gia đi đầu trong xu hướng mobile first (di động đầu tiên) ở châu Á, với hơn 70% lưu lượng internet của quốc gia Đông Nam Á này được tạo ra từ các thiết bị di động.
Dịch vụ vận tải, thực phẩm và mua sắm theo yêu cầu Go-Jek đã trở thành mô hình hoạt động đầu tiên ở Indonesia, một công ty khởi nghiệp với vốn chỉ hơn 1 tỷ USD.
Các dịch vụ mới như UangTeman - cung cấp các khoản vay nhỏ ngắn hạn trực tuyến và HaloDiana - một ứng dụng trợ lý ảo của tư nhân cũng đang phát triển.
Ngoài ra, Indonesia cũng đang thu hút sự quan tâm từ các công ty nước ngoài. Cả hai tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và Amazon đang có kế hoạch phát triển tại Indonesia. Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc JD đang đàm phán để phát triển một dự án đầu tư lớn ở Tokopedia, một trong những chợ trực tuyến lớn nhất ở Indonesia.
Gã khổng lồ AliPay của Trung Quốc, một chi nhánh tài chính của Tập đoàn Alibaba, cũng đang mở rộng dịch vụ thanh toán bằng điện thoại di động của mình sang Indonesia.
Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups có trụ sở ở Thung lũng Silicon (Mỹ) dự định đầu tư vào hơn 100 công ty ở giai đoạn đầu tư hạt giống của Indonesia.
Tổ chức Liên minh không tiền mặt là một đối tác toàn cầu của các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đang thực hiện quá trình chuyển đổi từ phương thức thanh toán dùng tiền mặt sang thanh toán điện tử, nhằm xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi người.
Hồng Hà (Theo Asia Times)