Viết tiếp bài Bột đá granite “vây” sông Hà Thanh:
Nghịch lý ô chôn lấp để không, DN vẫn xả thải trộm
Ngày 9.5, báo Bình Ðịnh đã phản ảnh dù UBND TP Quy Nhơn đã đầu tư xây dựng ô chôn lấp bột đá granite để doanh nghiệp (DN) xả thải tại xã Phước Mỹ từ năm 2015, nhưng số DN ký hợp đồng đổ thải rất ít. Từ đầu năm 2017 đến nay thì không còn DN nào. Vì sao lại có nghịch lý này?
Viện cớ giá thu dịch vụ xử lý cao, giới hạn tải trọng xe không quá 15 tấn/chuyến, DN xả thải bột đá ra môi trường.
- Trong ảnh: Bột đá đổ ra dọc quốc lộ 1, đoạn qua phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Ảnh: TRỌNG LỢI
DN chê giá dịch vụ cao, lại khống chế trọng tải xe
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn (đơn vị quản lý ô chôn lấp bột đá granite), thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Quy Nhơn đã giao cho Công ty xây dựng gấp ô chôn lấp bột đá granite để DN sản xuất đá granite có chỗ xả thải bột đá. Tháng 9.2015, ô chôn lấp rộng 2,18 ha thuộc Khu xử lý chất thải rắn của Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn nằm ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ (Quy Nhơn) được đưa vào sử dụng; có năng lực tiếp nhận 102 tấn/ngày với sức chứa đạt trên 140 ngàn m3 bột đá.
Ước tính, hiện có hơn 40 DN khai thác, sản xuất đá granite trên địa bàn TP Quy Nhơn và các vùng lân cận. Vậy nhưng, từ tháng 9.2015 đến cuối năm 2016, chỉ có 4 DN đăng ký sử dụng dịch vụ này, gồm: Công ty CP VRG đá Bình Định (đổ 27,39 tấn bột đá), Công ty TNHH Thịnh Gia (trên 121 tấn), Công ty CP đá Granite Viễn Đông (gần 100 tấn) và Công ty CP đá Granite An Nhơn (gần 57 tấn). Và hiện nay, ngoại trừ Công ty TNHH Mỹ thuật Tân Miền Trung còn trong hạn hợp đồng (đến ngày 30.6.2017), thì không một DN nào đăng ký tham gia nữa.
Theo phản ánh của nhiều DN sản xuất, chế biến đá granite đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài và KCN Long Mỹ, ngoài mức thu dịch vụ xử lý cao (15.562 đồng/tấn), Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn còn giới hạn trọng tải xe không quá
15 tấn (gồm xác xe và bột đá) đã gây khó cho họ. “Mỗi ngày, nhà máy chúng tôi thải ra cả chục tấn bột đá, cộng dồn cả tuần lên tới vài chục tấn. Nếu chỉ cho xe chở không quá 15 tấn/chuyến thì chỉ chạy được xe tải nhỏ, vừa tốn phí vận chuyển vừa mất nhiều thời gian. Đây là điều khiến cho các DN chúng tôi không hài lòng, nên không ký hợp đồng nữa”, đại diện một công ty sản xuất, chế biến đá granite ở KCN Phú Tài, giải thích.
Lý do này, theo ông Võ Văn Hoan, chỉ là cái cớ để các DN sản xuất, chế biến đá granite từ chối đưa chất thải bột đá vào khu chôn lấp. Ông Hoan nói: “Mức thu xử lý bột đá 15.562 đồng/tấn là do UBND TP Quy Nhơn phê duyệt vào ngày 7.9.2015 là phù hợp vì đã được tính toán kỹ. Còn Công ty giới hạn tải trọng xe vận tải là để đảm bảo hạ tầng đường giao thông nội bộ và an toàn cho việc đổ thải vào ô chôn lấp”.
Cần sớm tìm được tiếng nói chung
Trao đổi với PV vào sáng 9.5, trung tá Phạm Khắc Hiếu, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Quy Nhơn, xác nhận: Trước tình trạng này, đầu tháng 3.2017, Công an TP Quy Nhơn phối hợp ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho 27 DN hoạt động sản xuất, chế biến đá granite trên địa bàn thành phố; yêu cầu DN cam kết hoạt động sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời, yêu cầu họ đưa chất thải bột đá đến xử lý tại nơi quy định. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều DN phàn nàn, kêu ca mức giá dịch vụ cao, lại giới hạn tải trọng xe vận chuyển. Vì vậy, Công an TP Quy Nhơn đã kiến nghị đơn vị quản lý nên nghiên cứu, xem xét để có hướng điều chỉnh, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.
Trung tá Hiếu cũng cho biết thêm, thời gian qua, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường đã duy trì khá thường xuyên công tác trinh sát, kiểm tra, mật phục để phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm, nhưng việc này cũng còn gặp khó khăn do các đối tượng thường đổ trộm về đêm. Năm 2016, Đội phát hiện, lập biên bản xử lý 2 vụ vi phạm, phạt 5,5 triệu đồng.
“Mới đây, tổ kiểm tra của Đội đã phát hiện, lập biên bản xử lý Công ty TNHH Thuận Đức 4 (đóng tại KCN Phú Tài) đã tự ý đổ thải bột đá ra khu đất dọc bờ sông Hà Thanh ở tổ 9, KV 6, phường Trần Quang Diệu nhưng không xây dựng kè để chắn, yêu cầu DN phải dừng ngay. Hiện nay, Công an TP Quy Nhơn đã yêu cầu Công an các xã, phường trên địa bàn đẩy mạnh công tác mật phục, để phát hiện xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển bột đá đổ thải bừa bãi dọc bờ sông Hà Thanh hoặc dọc quốc lộ 1 để đảm bảo môi trường”, trung tá Hiếu nói.
Có thể thấy, việc tiếp nhận, xử lý chất thải bột đá tại ô chôn lấp thuộc Khu xử lý chất thải rắn của Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn đang bị “tắc” do các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, UBND TP Quy Nhơn cùng các đơn vị chức năng của tỉnh và các DN hoạt động sản xuất đá granite nên cùng bàn bạc, thảo luận để đi đến phương án thống nhất theo hướng hài hòa giữa các bên, vì một mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi nhiệm vụ về kiểm tra, xử lý vi phạm về Luật Môi trường cần đẩy mạnh công tác kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Có vậy, mới giảm thiểu được nạn đổ, xả chất thải bột đá không đúng nơi quy định.
TRỌNG LỢI