Tiến thoái lưỡng nan
Thuận mua vừa bán, ấy thế nhưng trong quá trình hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì phát sinh sự cố ngoài ý muốn. Để rồi 3 năm sau đó, hợp đồng mua bán nhà vẫn bị “treo”, người bán không bán được, người mua cũng không mua được dù đã trả một phần tiền. Hai bên lại dắt nhau ra tòa vì ai cũng cho là mình đúng. Vụ việc xảy ra tại huyện Hoài Ân.
Khoảng tháng 5.2014, vợ chồng bà Khanh(*) ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà ở trên mảnh đất có diện tích 128,4m2 (ở huyện Hoài Ân) cho bà Minh. Hai bên thỏa thuận chuyển nhượng với giá là 600 triệu đồng, vợ chồng bà Minh đã giao tiền mặt là 450 triệu đồng, số còn lại khi nào làm thủ tục công chứng xong thì giao đủ.
Mâu thuẫn phát sinh khi cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất tiến hành thẩm định thì phát hiện diện tích thực tế của mảnh đất lớn hơn diện tích được ghi trong sổ đỏ là 7,6 m2. Được biết, thửa đất này bà Khanh được cha mẹ cho, và phần diện tích thừa 7,6 m2 là bà Khanh được cha mẹ cho sử dụng với điều kiện chỉ được ở, nếu bán nhà thì phải trả lại diện tích này (chỉ nói bằng miệng). Tuy nhiên, trong quá trình thỏa thuận mua bán, bà Khanh đã không nói rõ cho vợ chồng bà Minh việc này. Lúc này, cha mẹ bà Khanh không đồng ý cho bà Khanh bán phần đất dư nên bà Khanh không tiếp tục thực hiện hợp đồng và hai bên phát sinh tranh chấp.
Mặt khác, tuy mảnh đất trên chỉ đứng tên bà Khanh nhưng ngôi nhà trên đất được xây dựng trong quá trình vợ chồng bà chung sống (dù không có hôn thú), mà theo quy định tại Điều 214, 217 Bộ luật Dân sự, nhà, đất này thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng. Vì bà Khanh và vợ chồng bà Minh ký hợp đồng mua bán nhà mà không có ý kiến của chồng bà Khanh, xâm phạm đến quyền sở hữu của chồng bà Khanh, nên hợp đồng vô hiệu.
Bà Minh kiện ra tòa, yêu cầu bà Khanh tiếp tục thực hiện hợp đồng, nếu không phải bồi thường gấp đôi số tiền bà đã trả trước, tức là 900 triệu đồng, với lý do đây là tiền đi vay.
Tuy nhiên, bà Khanh chỉ đồng ý trả lại 450 triệu đồng đã nhận và trả lãi suất theo lãi suất của ngân hàng trong khoản thời gian giữ số tiền này. Vợ chồng bà chỉ đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng với điều kiện giá bán phải theo thời giá hiện tại (đầu năm 2016), tức cao hơn giá thỏa thuận ban đầu.
Vụ việc được đưa ra tòa 3 lần nhưng vẫn chưa ngã ngũ bởi các bên đều cho rằng yêu cầu của mình là chính đáng và tiếp tục khiếu nại.
Kết quả ra sao còn đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, song, từ vụ việc này có thể thấy, trong thỏa thuận trao đổi mua bán, chuyển nhượng, nhất là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, người mua cần tìm hiểu rõ ràng nguồn gốc đất cũng như khi thực hiện hợp đồng mua bán cần có sự tham gia đầy đủ các bên để tránh những mâu thuẫn phát sinh về sau.
KIỀU ANH
(*) Vì lý do tế nhị, tên những người liên quan đến vụ việc đã được thay đổi.