Chuyện một người nhiệt huyết với thể thao
Cống hiến trọn cuộc đời cho ngành công an, nhưng cùng với đó, đại tá Phan Minh Hải - nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh - còn dồn rất nhiều tâm huyết cho thể thao, góp phần không nhỏ vào việc phát triển bộ môn cầu lông, xe đạp ở TP Quy Nhơn và một số địa phương trong tỉnh.
Ông Phan Minh Hải trao giải cho các VĐV đoạt thành tích cao ở nội dung đơn nữ Giải cầu lông các CLB toàn tỉnh mở rộng năm 2017.
1.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, những ai đam mê cầu lông chỉ có cách chọn các sân ngoài trời để tập luyện. Khi còn công tác ở Công an TP Quy Nhơn, ông Phan Minh Hải cùng một số người có chung sở thích liên hệ làm một sân trong Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, để có chỗ mỗi ngày luyện tập.
Ông Hải (thường được mọi người gọi là Sáu Hải) kể: “Thời đó bọn tôi còn đánh bằng vợt gỗ, có người tối về còn phải hơ trên lửa, ép vợt cho đỡ cong vênh. Vậy mà phong trào khi đó lan ra khá nhanh, rất nhiều sân được xây mới hay tận dụng từ các hội trường hoặc các công trình khác để làm chỗ chơi cầu lông. Ở Xí nghiệp nước ngọt (cũ) có 4 sân, Thành đội, Điện lực tỉnh… đều có sân. Ngay cả Công an TP Quy Nhơn (khi đó ở 41 Hai Bà Trưng - NV) cũng có sân, do tôi linh động cho tập trong Nhà huấn luyện võ thuật của đơn vị”.
Nhưng theo ông Hải, ấn tượng nhất là Rạp chiếu bóng TX An Nhơn rồi Rạp Lê Lợi (TP Quy Nhơn) sau nhiều năm không phát huy công năng cũng chuyển sang làm sân cầu lông. Huyện Vân Canh khi đó đã xây Nhà thi đấu đa năng, chủ yếu cũng để phục vụ người chơi cầu lông, và đó cũng là một trong những lý do phong trào cầu lông ở địa phương này mạnh như ngày nay.
2.
Năm 1994, ông Sáu Hải nằm trong Ban vận động thành lập Liên đoàn cầu lông tỉnh. Chỉ một năm sau, ở Đại hội lần thứ nhất, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn. Gắn chặt với vai trò Phó Chủ tịch từ đó đến nay đã 22 năm, công việc chính của ông Sáu Hải cũng như ông Bốn Trường (đại tá Chế Trường - nguyên Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn) và ông Năm Ý (Hoàng Như Ý - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn) là… đi xin tài trợ.
Bằng mối quan hệ cá nhân, ông Sáu Hải vận động các doanh nghiệp, đơn vị chung tay để duy trì giải cầu lông các CLB toàn tỉnh mở rộng, trở thành giải đấu uy tín, thu hút hàng trăm cây vợt trong và ngoài tỉnh tham gia hàng năm. Nghỉ hưu từ năm 2014, ông dành nhiều thời gian hơn cho các công việc của Liên đoàn. Từ năm 2016 đến nay, ông Phan Minh Hải còn đảm nhận thêm vai trò mới là Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh. “Giờ tôi lại phải đi xin nhiều hơn trước, nghĩ đi nghĩ lại ngại lắm, nhưng anh em tín nhiệm, lại gắn bó với công việc nhiều ý nghĩa nhân văn như vậy thì mình cũng cố mà làm thôi” - ông Sáu Hải chia sẻ.
3.
Khi còn công tác, công việc luôn hết sức bận rộn, nhưng ông Sáu Hải vẫn dành khá nhiều thời gian cho thể thao. Cơ duyên đưa ông đến với môn xe đạp, chủ yếu là để rèn độ dẻo dai, giảm đau khớp gối, lưng. Rồi cũng thành lập CLB để tập trung những người cùng sở thích. CLB Diên Hồng mà ông là một trong những thành viên sáng lập là CLB đầu tiên ở TP Quy Nhơn được cấp phép chính thức (năm 2005).
Nhiều người làm trong ngành thể thao TP Quy Nhơn trước đây thường nhắc đến Sáu Hải như người tiên phong trong việc tổ chức Ngày hội VHTT miền biển. Khi được hỏi về ý này, ông Hải cho biết: “Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống còn khó khăn lắm, từ trung tâm Quy Nhơn sang Nhơn Lý cũng gian nan. Nhiều lúc có việc gấp đi bằng canô hay xe jeep cũng mất hơn 3 giờ đồng hồ mới đến nơi. Sau những lần công tác bên đó, tôi nhận thấy đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nhơn Lý còn thiếu thốn lắm. Vậy là tôi đề xuất với anh em ngành VHTT TP Quy Nhơn tổ chức Ngày hội VHTT miền biển cho bà con xã đảo. Ban đầu có các xã Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý tham gia, được ít lâu thêm phường Hải Cảng, Trần Phú. Rồi cứ vậy mà phát triển dần lên!”.
Ở tuổi 64, rảnh rỗi hơn, ông Sáu Hải càng dành nhiều thời gian để rèn luyện sức khỏe. Ông Nguyễn Văn Long - giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh “tiết lộ”: Những khi TP Quy Nhơn tổ chức đua xe đạp, ông luôn có mặt ở khu vực đích để cùng tham gia công tác tổ chức, kịp thời giải quyết những vướng mắc. Dù sân chơi phong trào luôn phát sinh nhiều tình huống khó lường, nhờ uy tín, nhiệt huyết, tính công tâm, khách quan, ổng đã đưa nhiều giải đấu “về đích” thành công!”.
LÊ CƯỜNG