Mẫu Lễ phục Nhà nước: NTK cần có tầm nhìn văn hóa
Nếu không huy động được các nhà thiết kế (NTK), họa sĩ có kinh nghiệm, hiểu sâu về văn hóa, lịch sử dân tộc thì Lễ phục Nhà nước sẽ khó ra đời.
Hành trình tìm Lễ phục đang đi được gần nửa chặng đường. Xu hướng thiết kế trang phục kết hợp truyền thống và hiện đại được đa số các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tán thành. Đây được coi là cuộc vận động tìm kiếm hình ảnh cho một quốc gia, dân tộc nên không thể thiếu sự tham gia của các nhà thiết kế chuyên nghiệp và không chuyên, trong nước và ngoài nước. Chỉ có điều cách mời, cách tổ chức sao cho tập trung được trí tuệ và sự sáng tạo cao nhất, thì bất cứ nhà quản lý nào cũng phải lưu tâm.
Về cơ bản, sau khi tiến hành lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, họa sĩ ở ba miền Bắc, Trung, Nam đã thống nhất mẫu thiết kế gồm có 4 bộ Lễ phục, 2 bộ cho nam và 2 bộ cho nữ theo hai phong cách hiện đại và truyền thống. Tuy nhiên, theo họa sĩ Lê Thiết Cương thì bộ lễ phục nào cũng phải đảm bảo tiêu chí truyền thống và hiện đại. Việc kết hợp truyền thống và hiện đại nhuần nhuyễn, hài hòa trong một sản phẩm và nên chỉ thiết kế một bộ cho nam, một cho nữ.
"Nó không cơ học đến mức 50-50 truyền thống và hiện đại. Tinh thần của truyền thống Việt Nam ở trong phục trang, trong văn hóa của người Việt phải có sự giao thoa. Hoặc lấy bộ veston của Châu Âu, trên cơ sở đó thổi câu chuyện truyền thống của người Việt vào. Tinh thần Việt đưa vào một bộ trang phục không nằm ở việc hữu hình, cụ thể mà có khi rất trừu tượng. Nó có thể là cách cắt, cách cột, cách đơm khuy. Lễ phục của phụ nữ cũng vậy, chắc chắn vẫn là áo dài". - ông Cương nói.
Cũng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, muốn huy động được trí tuệ và sức lực của mọi người trong việc tìm kiếm Lễ phục thì nên chăng Ban tổ chức phải chú ý đến việc mời các nhà thiết kế cùng tham gia. Ở đây có chuyện lời mời cao hơn cách mời. Nếu cuộc thi chỉ dừng lại ở việc thông báo đơn thuần thì hiệu quả sẽ không cao, không thu hút được nhiều người tham gia. Lời mời thiết kế Lễ phục nên được gửi đến cá nhân mỗi nhà thiết kế trong và ngoài nước.
Có thể nói, chúng ta đang trên con đường tìm hình ảnh cho bộ Lễ phục quốc gia. Dựa trên tinh thần chung ấy, nếu không huy động được sự sáng tạo của các nhà thiết kế, họa sĩ vừa có kinh nghiệm về tạo hình, vừa hiểu sâu về văn hóa, lịch sử dân tộc thì cuộc tìm kiếm sẽ còn lâu dài, đầy thử thách.
Hơn nữa, theo bà Đoàn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, sau khi tiến hành hội thảo lấy ý kiến tại 3 miền, có 61% các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, họa sĩ đồng tình với việc thiết kế mới, với điều kiện kết hợp hai xu hướng hiện đại và truyền thống. Do vậy, sáng tạo một cái mới không thể không dựa vào tri thức của cả một dân tộc, mà đi đầu là những nhà thiết kế có tầm nhìn văn hóa.
“Tất cả chúng ta sống trong thời đại này, sống trong dòng chảy văn hóa đi cùng lịch sử, chẳng nhẽ trí tuệ của chừng này con người sống trong thời đại này lại không thiết kế được bộ quần áo cho chúng ta hay sao? Cái chúng ta biết đến Việt Nam không phải là áo the khăn đóng. Chúng ta có rất nhiều bộ lễ phục khác nhau qua từng thời kì lịch sử. Chúng ta biết đến áo the khăn đóng vì nó hiện diện gần đây - ở thời Nguyễn và được giữ lại. Trước đó chúng ta không còn. Điều này đòi hỏi sự tìm hiểu, thiết kế sâu của các nhà thiết kế để chúng ta đưa ra được tiếng nói chung nhất” – bà Đoàn Thị Thu Hương cho biết.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - một trong những thành viên hội đồng cố vấn cũng lưu ý: trang phục là một trong những biểu thị của nét văn hóa truyền thống. Việc thiết kế cho cả dân tộc bộ Lễ phục phải dựa trên tinh thần kế thừa nhưng đồng thời phải tìm ra cái mới. Các nhà thiết kế phải lưu tâm đến việc tìm ra bộ Lễ phục đảm bảo hai yếu tố: nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu riêng tư liên quan đến phong cách cá nhân.
“Các nhà thiết kế luôn luôn phải cố gắng tìm tòi, có kế thừa nhưng đồng thời luôn luôn tìm ra cái mới. Một khi cái mới được chấp nhận thì nó sẽ trở thành giá trị được cả xã hội công nhận. Vấn đề trang phục cũng liên quan đến cả tập quán chứ không phải là sự áp đặt, mà đó là sự thuyết phục” – nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.
Trong đợt phát động này, 4 tiêu chí của việc thiết kế Lễ phục cũng được đưa ra, đó là: Lễ phục phải mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam đồng thời khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước. Như vậy là, yếu tố văn hóa, yếu tố thời đại, yếu tố thuận tiện khi sử dụng được ưu tiên hàng đầu đối với một bộ Lễ phục mang tầm quốc gia.
Theo Phương Thúy - Đào Yến (VOV)