Hội thảo về tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau 70 năm ra đời, những nội dung nêu trong tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là những giá trị định hướng đối với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay.
Sáng 9.5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Cách đây 70 năm, tháng 3/1947, trong lúc cả nước vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong tác phẩm “Đời sống mới”. Tác phẩm được Ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947. Ngoài lời tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, với dung lượng gần 5.800 từ, trình bày theo cách hỏi - đáp. Thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản, từ mục đích, nội dung xây dựng đời sống mới với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể, cho đến phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới đã được đề cập vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Xây dựng đời sống mới phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất nhưng cũng đơn giản nhất mà mọi người đều phải thực hành. Bác Hồ nói: “Đời sống mới không cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hi sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc cần thiết, rất phổ thông trong đời sống mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi những điều đó thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc”.
Đối với làng xã, việc thực hiện đời sống mới cần phải làm những việc sau: Về văn hoá phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa cờ bạc, hút sách, trộm cắp, đĩ điếm. Tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình trở thành một làng ''thuần phong mỹ tục''.
Còn trong gia đình, thực hiện đời sống mới về tinh thần thì trên thuận dưới hoà, không thiên tư, thiên ái, về vật chất từ ăn mặc đến việc làm ăn đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp. Cưới hỏi giỗ tết nên đơn giản tiết kiệm. Đúng như Bác Hồ đã nói: ''Ta phải xây dựng nếp sống mới từ gia đình, quan tâm từ cái nhỏ nhất từ trong nhà ra đến ngoài xã hội”.
Người luôn kêu gọi bình đẳng, tôn trọng, hoà thuận, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái và trong xã hội giữa các dân tộc.
Ngay cả trong đời sống giao tiếp hàng ngày, theo Người cần phải chân thành, cởi mở, ''trên kính, dưới nhường'' trong từng cử chỉ lời nói. Qua giao tiếp mà con người mở rộng quan hệ. Không ngừng tiếp cận, học hỏi cái hay, cái đẹp dể nâng cao trình độ hiểu biết và tiến bộ.
Mục đích của việc xây dựng đời sống văn hoá mới là: ''Làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn''. Trong khi xây dựng cái mới phải biết kế thừa và phát triển những đức tính tốt đẹp của tổ tiên ta như yêu nước, yêu lao động, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết trong lao động và chiến đấu. . .
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung về xây dựng nền văn hoá mới hiện nay trong tác phẩm “Đời sống mới”; công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam mới… Bên cạnh việc phân tích những giá trị lý luận của tác phẩm “Đời sống mới”, các đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành phố khẳng định thời gian qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực song cũng còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy rõ hơn những quan điểm, tư tưởng của Người trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để đạt được mục tiêu.
TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2016; đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng của nhân dân ở cả nông thôn và đô thị. Các cấp, các ngành cần đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Theo Chinhphu.vn