Vua Minh Mạng và việc đặt quốc hiệu Đại Nam
Thời kỳ chế độ phong kiến Việt Nam, mỗi triều đại đều rất quan tâm đến quốc hiệu (tên gọi) của đất nước. Vấn đề đó cũng không phải mới mẻ đối với vương triều Nguyễn. Thông thường, mỗi vương triều không muốn dùng quốc hiệu của các vương triều trước mà sẽ đặt một quốc hiệu khác.
Khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) lên ngôi thiết lập ra vương triều Nguyễn thì quốc hiệu của đất nước cũng được thay đổi. Đặt quốc hiệu là việc quan trọng thể hiện uy quyền của vương triều đối với thần dân và các nước lân bang.
Trong lịch sử nước ta có một hiện tượng rất thú vị là quốc hiệu và tên gọi đất nước (Quốc danh) không thống nhất. Chẳng hạn, năm 1054, nhà Lý đổi quốc hiệu là Đại Việt, quốc hiệu đó tồn tại liên tục đến đời Trần (1400), thế nhưng chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh ngày 10.01.1226 lại mở đầu bằng câu: “nước Nam Việt ta từ lâu đã có các đế vương trị vì”. Nhà Hồ (1400 – 1407) đổi Quốc hiệu là Đại Ngu (sự yên vui lớn) nhưng đa số dân chúng vẫn gọi là Đại Việt, còn người Trung Quốc gọi là Giao Chỉ. Thế kỷ XV, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi có viết: “Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Nam làm tổ Bách Việt”, nhưng trong Bình Ngô đại cáo ông lại viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.
Vào năm 1804, vua Gia Long đổi tên quốc hiệu là Việt Nam. Điều đó được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng là Chiếu của vua Gia Long năm thứ 3 (1804) cách đây 209 năm và được công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao. Mộc bản triều Nguyễn là dạng tài liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu của nhân loại”. Đây là một kho tài liệu quý hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt – Lâm Đồng). Trong nhiều nội dung mà khối tài liệu này đang hàm chứa, có sự kiện vua Minh Mạng đặt quốc hiệu nước ta là Đại Nam
Vương triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam tồn tại trong thời gian 34 năm (1804 – 1838). Sau khi lên nối nghiệp vua Gia Long, vua Minh Mạng đã cho thay đổi quốc hiệu Đại Nam vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Sự kiện này được phản ánh trong mộc bản triều Nguyễn và được xác nhận bằng một văn bản quan trọng là bản Dụ của vua Minh Mạng bố cáo cho toàn thần dân trong nước và các nước đều biết.
Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhị kỷ” (ghi chép lịch sử thời vua Minh Mạng), quyển 190, phản ánh vua Minh Mạng giải thích việc đặt quốc hiệu là Đại Nam như sau: “…Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng đều thuộc vào trong bản bản đồ, bờ biển rừng sâu khắp nơi đều theo về cả. Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam thì càng tỏ nghĩa lớn… Chuẩn từ nay trở đi, Quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô phải chiếu theo đó tuân hành. Giả hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam về lẽ vẫn phải, không được nói hai chữ Đại Việt. Còn Hiệp kỷ lịch năm nay trót đã ban hành thì không phải thay đổi hết thảy… Lấy năm Minh Mạng thứ 20 bắt đầu đổi thành chữ Đại Nam mà ban hành để chính tên hiệu cho các nơi xa gần đều biết”.
Trên thực tế, Quốc hiệu Đại Nam tồn tại từ 1838 đến 1945 (107 năm) nhưng thời gian sau quốc hiệu này không còn thông dụng. Khi lên nối ngôi vua Gia Long, vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu là Đại Nam, tên gọi Việt Nam được sử dụng ít hơn trước. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hai tiếng Việt Nam được sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước trong các tác phẩm và các tổ chức chính trị như: Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử (1905), Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925) và Hội Việt Nam độc lập đồng minh (1941)… Ngày 02.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn đôc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 chính thức thể chế hóa Quốc hiệu này. Từ đấy, Quốc hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng, toàn diện nhất.
Lê Khắc Niên