Tổng thống Trump bị kiện liên quan vụ tấn công Syria
Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, một cơ quan giám sát độc lập thuộc chính phủ Mỹ, vừa đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump, đòi chính phủ phải công khai cơ sở pháp lý liên quan tới vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của chính phủ Syria hôm 6.4 vừa qua.
Sân bay Shayrat bị tàn phá sau vụ tấn công tên lửa hành trình Tomahawk từ các tàu khu trục của Mỹ hôm 6.4 vừa qua.
Vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ vào căn cứ không quân Sharyat ở miền tây Syria đã được tiến hành theo lệnh của Tổng thống Trump, nhằm đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun hai ngày trước đó. Mỹ và các đồng minh nghi ngờ các tướng chỉ huy của quân đội Syria đã hạ lệnh tiến hành vụ tấn công bằng khí sarin này, làm ít nhất 90 người thiệt mạng và Tổng thống Syria có được thông báo về vụ tấn công trước khi nó xảy ra.
Dù vụ tấn công nhận được sự ủng hộ của cả Hạ viện lẫn Thượng viện, song tổ chức Bảo vệ Dân chủ, được dẫn dắt bởi các luật sư từng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Barack Obama, vẫn đệ đơn kiện chính phủ của Tổng thống Trump, đòi công khai những chứng cứ pháp lý cho phép thực hiện vụ tấn công.
Tổ chức Bảo vệ Dân chủ cho rằng, chính quyền Trump không thể lấy lý do tự vệ để thực hiện vụ tấn công nói trên, đồng thời cũng đặt ra nghi vấn về phạm vi quyền lực của Tổng thống Trump khi tiến hành các vụ tấn công mà chưa được sự cho phép của Quốc hội hay Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.
Đơn kiện của tổ chức này đã được trình hôm 9.5 dựa trên cơ sở của luật tự do thông tin nhằm yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump công khai tất cả mọi thư từ điện tử, biên bản ghi nhớ hay các bản ghi âm chứng minh cơ sở pháp lý cho hành động quân sự trên.
Trong một lá thư gởi tới Quốc hội, tờ New York Times biện minh rằng, với cương vị Tổng tư lệnh, được quy định trong Hiến pháp, cho phép ông Trump quyền tiến hành các vụ tấn công nhằm bảo vệ những lợi ích của Mỹ và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng viện dẫn cơ sở pháp lý tương tự như các vụ tấn công nhằm vào chính quyền của Tổng thống Libya Muammar el-Qaddafi dưới thời ông Barack Obama vào năm 2011.
Tuy nhiên, ông Martin Lederman, một cựu luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời ông Obama cho rằng, vụ không kích ở Syria hồi tháng 4 vừa qua không có đủ cơ sở pháp lý để so sánh với chiến dịch quân sự tại Libya trước đó. Vào thời điểm đó, Liên hiệp quốc đã "bật đèn xanh" cho các quốc gia thành viên sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường Libya.
Sau các vụ tấn công bằng chất độc tương tự ở ngoại ô Ghouta của Damascus vào tháng 8.2013, làm hơn 1.000 người thiệt mạng, chính quyền Obama đã tiến hành các cuộc không kích chống lại chính quyền Tổng thống Assad. Tuy nhiên, ông Obama đã nhận được sự cho phép của Quốc hội cho hành động quân sự này. Và sau khi Quốc hội bỏ phiếu phản đối việc sử dụng hành động quân sự ở Syria, phái bộ LHQ tại Syria sau đó (năm 2014) đã vận chuyển 1.300 tấn vũ khí hóa học ra khỏi nước này theo một thỏa thuận do Nga làm trung gian.
Hồng Hà (Theo Newsweek)