Các cơ sở đóng tàu phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với ngư dân
(BĐ)- Ngày 10.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp giải quyết tình trạng tàu cá của ngư dân đóng mới theo tinh thần Nghị định (NĐ) 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản bị hư hỏng. Dự cuộc họp có các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, TP ven biển, đại diện Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, doanh nghiệp (DN) cung cấp máy tàu và các ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng.
Báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh về kết quả các đợt kiểm tra, đánh giá tình hình hư hỏng và sửa chữa, bảo hành tàu cá vỏ thép của ngư dân (do Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thực hiện) và ý kiến của ngư dân tại cuộc họp cho thấy, nhiều tàu cá vỏ thép có hiện tượng sơn bị bong tróc, gỉ sét nặng; hệ thống đường van, ống bị gỉ sét; hầm bảo quản thoát nước kém; hệ thống lạnh không tốt; máy chính bị hư hỏng và không đồng bộ; hệ thống lái bị hỏng, chảy nhớt. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay thế thép của Hàn Quốc, Nhật Bản bằng thép Trung Quốc. Hai DN nói trên thu hàng trăm triệu đồng tiền thiết kế tàu cá của ngư dân là trái với quy định của Chính phủ.
Ngư dân và lãnh đạo các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát cũng đã đề nghị các DN phải nhanh chóng sửa chữa tàu cá bị hư hỏng, gỉ sét; thay thế chất liệu thép của Trung Quốc sang thép của Hàn Quốc hoặc của Nhật Bản theo đúng hợp đồng; chịu hoàn toàn kinh phí sửa chữa tàu và thiệt hại cho ngư dân trong thời gian tàu cá bị hư hỏng phải nằm bờ; hoàn trả khoản chi phí thiết kế tàu cá cho ngư dân. Các Ngân hàng thương mại khoanh giãn nợ cho các ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thuê đơn vị tư vấn độc lập, kiểm tra, đánh giá toàn bộ tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP, trên cơ sở đó làm rõ trách nhiệm của các DN đóng tàu, DN cung cấp máy.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định tàu cá vỏ thép mà các DN mới bàn giao cho ngư dân không đảm bảo chất lượng, DN thiếu trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng đã ký kết. Do vậy, DN phải sửa ngay các tàu cá bị hư hỏng, thay thế chất liệu thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc hoặc của Nhật Bản và đồng bộ máy móc thiết bị trên tàu theo đúng hợp đồng. Trong vòng 1 tháng phải khắc phục xong các tàu cá bị hư hỏng, gỉ sét và chịu hoàn toàn kinh phí sửa chữa; hoàn trả lại chi phí thiết kế tàu cá cho ngư dân; hỗ trợ ngư dân có tàu bị hỏng phải nằm bờ sửa chữa và hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với tàu mới. Ngư dân cũng phải khắc phục hạn chế trong công tác bảo dưỡng, vận hành và đề xuất kiến nghị bằng văn bản cho ngành chức năng, các cơ sở đóng tàu để có cơ sở pháp lý sửa chữa tàu, đồng thời có trách nhiệm hoàn trả nợ vay. Trong thời gian tàu cá sửa chữa, các ngư dân phải thường xuyên có mặt tại cơ sở đóng tàu để kiểm tra, giám sát.
Sở NN&PTNT chủ trì, thuê đơn vị tư vấn độc lập, kiểm tra đánh giá lại toàn bộ tàu cá vỏ thép trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT và Chính phủ; hỗ trợ ngư dân kiểm tra, giám sát việc sửa chữa tàu cá bị hư hỏng và định hướng, hướng dẫn ngư dân lựa chọn các đơn vị đóng tàu đảm bảo chất lượng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khoanh giãn nợ cho các ngư dân có tàu cá bị hư hỏng.
T.SỸ