Ngó vô Linh Ðỗng mây mờ...
Có dịp trở lại di tích Lăng Mai Xuân Thưởng (Bình Tường, Tây Sơn) nhân tưởng niệm 130 năm ngày mất ông, nhiều người cảm thấy phấn khởi khi thấy quang cảnh nơi đây khang trang, ấm áp hơn trước nhiều.
Người dân thắp hương tại Đền thờ Mai Xuân Thưởng dịp 130 năm ngày mất ông.
Bên cạnh di tích gốc là lăng mộ, sự hiện diện của một công trình mới là đền thờ làm cho diện mạo quần thể di tích này được “nâng tầm”, đồng thời công trình mới còn phục vụ thiết thực việc tổ chức tưởng niệm ngày mất vị anh hùng vào ngày 15.4 âm lịch hàng năm.
Trước khi có Đền thờ Mai Xuân Thưởng (được khởi công xây dựng từ đầu năm 2015, đưa vào sử dụng 2 năm nay), sự hạn chế về không gian, địa điểm cũng khiến cho việc tổ chức tưởng niệm ngày mất nhà yêu nước này có phần đơn sơ. Tùy năm chẵn, lẻ mà việc tổ chức do UBND huyện Tây Sơn hay UBND xã Bình Tường đảm nhiệm. Lễ tưởng niệm được tổ chức theo nghi thức Nhà nước gồm đọc diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp vào lịch sử dân tộc của nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng và dâng hoa, viếng hương tại lăng mộ. Hình thức, thủ tục lễ tưởng niệm tuy đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, thành kính.
Tuy vậy, trong tâm thức nhân dân khái niệm “ngày giỗ” gần gũi, mộc mạc hơn cách gọi “lễ tưởng niệm”. “2 năm nay có đền thờ mới, ngày giỗ Ông (tức Mai Xuân Thưởng - cách gọi thành kính và gần gũi mà bà con địa phương thường dùng) ngoài lễ tưởng niệm theo nghi thức Nhà nước quy mô và trang trọng, còn có lễ giỗ đúng kiểu cổ truyền, bà con phấn khởi lắm!”, một cụ bà ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, cho tôi hay.
Năm nay, tròn 130 năm ngày mất nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng (1887 – 2017), lễ tưởng niệm do Sở VH&TT cùng UBND huyện Tây Sơn phối hợp tổ chức. Lễ tưởng niệm theo nghi thức Nhà nước diễn ra vào 8 giờ (sáng 9.5.2017). Nhưng trước đó, từ 7 giờ nghi thức giỗ theo lối cổ truyền đã được tổ chức trang trọng.
Đông đảo người dân và học sinh Bình Tường đã về dự lễ để cùng tưởng nhớ, tri ân người anh hùng của quê hương, dân tộc. Với vẻ mặt ngời lên niềm tự hào, nhiều người đã nán lại khá lâu trước 2 tờ phướn đỏ thắm treo 2 bên hông mặt trước đền thờ, trên đó là những dòng chữ ghi lại những câu nói bất hủ đậm chí khí của nhà yêu nước này: Mang danh hiệu Bình Tây không lẽ hàng Tây? Xưa nay trung thần nghĩa sĩ chỉ có thể làm đoạn đầu tướng quân chứ không thể làm hàng tướng quân hay Chết nào có sợ, chết như chơi/chết bởi vì dân, chết bởi thời/chết hiếu chi nài xương thịt nát/chết trung đâu quản cổ đầu rơi.
Sáng 9.5, trời Bình Tường nắng gắt. Chương trình tưởng niệm đã kết thúc từ trước 9 giờ. Nhưng đến quá trưa, lác đác vẫn còn người đến viếng Mai Xuân Thưởng. Từng người, nhóm người lặng lẽ đội nắng, ngược dốc, đến với ngọn đồi cao này, nơi khi xưa nhà yêu nước chọn làm căn cứ chống Pháp và cũng là nơi ông yên giấc ngàn thu.
Có dịp trở lại di tích Lăng Mai Xuân Thưởng, cảm nhận rõ sự đổi khác, đẹp đẽ lên của nơi này. Đặc biệt, đền thờ mới xây khang trang, rộng rãi (diện tích 328m2) đã giúp cho ngày tưởng niệm, ngày giỗ nhà yêu nước thêm phần trang trọng, chu đáo.
Với nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng, vì nguyên nhân khách quan thuộc về lịch sử mà sự tôn vinh có phần thiệt thòi và muộn màng hơn, từ sự ra đời công trình tưởng niệm này, tôi lại liên tưởng đến một cách ghi nhận, tôn vinh khác - bằng nghệ thuật. Đó chính là vở tuồng “Bông mai đỏ” (kịch bản: Đoàn Thanh Tâm, Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng và biểu diễn lần đầu năm 2014) - tác phẩm nghệ thuật được xem là đầu tiên về nhân vật lịch sử này, do chính đội ngũ nghệ sĩ Bình Định tâm huyết sáng tạo và thực hiện. Như ca dao đến giờ còn truyền - Ngó vô Linh Ðỗng mây mờ/ Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây... phải chăng theo thời gian, sự ghi nhận và tôn vinh Mai Xuân Thưởng trong lòng dân Bình Định ngày càng đầy đặn hơn...
SAO LY