Giáo dục truyền thống, văn hóa địa phương cho học sinh: Ghi nhận từ điển hình THCS Ân Hảo Tây
Là ngôi trường mới thành lập vào tháng 9.2015 trên cơ sở chia tách từ Trường THCS Ân Hảo, bên cạnh chú trọng công tác chuyên môn, Trường THCS Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh.
Làm cho học sinh ham đến lớp
Theo thầy Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Hảo Tây, trên cơ sở xác định là một ngôi trường mới, lại nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên việc duy trì sĩ số lớp và nâng cao chất lượng cho học sinh là điều không dễ. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, Ban giám hiệu Trường THCS Ân Hảo Tây luôn tìm cách tạo hứng thú, thu hút học sinh gắn bó với trường lớp, hạn chế học sinh bỏ học. Học sinh ham đến lớp là cơ sở để từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Học sinh Trường THCS Ân Hảo Tây trải nghiệm cảm giác tự tay cắt dâu, cho tằm ăn tại Hội thi “Em yêu lịch sử Hoài Ân”.
Tùy vào thời điểm và căn cứ chương trình học, nhà trường tổ chức các hoạt động như gặp mặt tọa đàm, giao lưu văn nghệ, các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt trường đầu tư nhiều cho sân chơi “Hội thi tìm hiểu về truyền thống, lịch sử” theo từng chủ đề mà trường đặt mục tiêu duy trì thường xuyên.
Điển hình như khi trường tổ chức Hội thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”, học sinh toàn trường tham gia rất tích cực. Có như vậy là vì nội dung Hội thi rất phong phú, bao gồm: văn nghệ, sân khấu hóa, vẽ tranh về nhân vật lịch sử… sự đa dạng về nội dung khiến lớp nào, học sinh nào cũng có thể tìm thấy lĩnh vực phù hợp, nhờ đó không khí học tập trở nên sôi nổi.
Chú trọng lịch sử địa phương
Cũng theo thầy Tuấn, theo chương trình, mỗi học kỳ được bố trí 1 tiết lịch sử địa phương. Đây là thời lượng vô cùng ngắn ngủi để chọn lọc và truyền đạt cho học sinh nắm bắt rõ về những căn bản nhất của lịch sử địa phương mình. Vì thế tiết học được tính toán để sử dụng sao cho có lợi nhất.
Năm nay, hòa với khí thế toàn huyện sôi nổi thi đua tổ chức nhiều hoạt động trên khắp các lĩnh vực nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2017), Trường THCS Ân Hảo Tây cũng có hoạt động ý nghĩa của riêng mình. Đó là Hội thi “Em yêu lịch sử Hoài Ân” lần thứ 1, năm học 2016 - 2017.
Tổng phụ trách Đội Nguyễn Thị Thanh Ngân cho biết: “Thực tế cho thấy kiến thức về lịch sử, truyền thống, văn hóa địa phương của học sinh đến nay còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trong Hội thi “Em yêu lịch sử Hoài Ân” vừa qua, ngoài tìm hiểu các nhân vật lịch sử, còn có nội dung tìm hiểu về các làng nghề truyền thống. Học sinh vừa thuyết trình vừa thực hành cho tằm ăn, đan nong, đan nón - đây là nghề truyền thống của Hoài Ân mà trước đến nay đa phần học sinh chưa có điều kiện tiếp cận cụ thể, lần đầu tổ chức, các em tham gia rất nhiệt tình và hứng thú”.
Em Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 8A1, chia sẻ: “Tuy Ân Hảo Tây là quê hương trồng dâu nuôi tằm, nhưng không phải bạn nào cũng được trải nghiệm cảm giác tự tay cắt dâu, cho tằm ăn và chưa hiểu nhiều về nghề truyền thống của quê hương. Khi tham gia Hội thi, chúng em có dịp tìm hiểu kỹ lưỡng từ khâu trồng dâu, cho tằm ăn, ươm kén. Qua đó đã tạo được sự hứng thú cũng như cảm thấy gắn bó với nghề truyền thống của quê hương”.
Còn em Dương Thị Mỹ Hân, học sinh lớp 9A1, cho biết: “Nong là vật dùng hàng ngày gia đình dùng để nuôi tằm, phơi lúa. Nhưng chưa có dịp học sinh tụi em tận mắt thấy người ta làm để hiểu về những công đoạn làm nên chiếc nong. Khi thi thuyết trình và thực hành làm nong mô hình, các em đã tìm hiểu kỹ lưỡng và tự tay làm nên sản phẩm, giúp chúng em hiểu hơn về làng nghề truyền thống trên quê hương Hoài Ân mình”.
Cô Lê Thị Thu Hoài, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Hoài Ân, nhận định: “Tuy là ngôi trường mới thành lập, nhưng trong những năm qua, tập thể Ban giám hiệu Trường THCS Ân Hảo Tây rất năng động, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương. Qua đó, tạo được sự chuyển biến về chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là thu hút học sinh trong học tập, hạn chế được học sinh bỏ học ở vùng khó khăn này”.
TỐNG BÌNH