Cần xử lý nghiêm “rác” quảng cáo
Kể từ ngày 5.5, Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo chính thức có hiệu lực. Trong đó, có quy định rõ đối tượng bị xử phạt là người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và người được thuê để treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại nơi công cộng; mức xử phạt từ 1 - 10 triệu đồng.
Quảng cáo nhan nhản khắp nơi tại TP Quy Nhơn.
Theo tôi, đây là một chế tài hết sức cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi quảng cáo “rác” bởi loại quảng cáo này đã và đang nhan nhản nhiều nơi, từ thành phố đến thị xã, thị trấn gây nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị. Tại TP Quy Nhơn, hầu hết các tuyến đường, ngõ hẻm đều xuất hiện các mẩu giấy quảng cáo dán vào tường nhà, cột điện, gốc cây, đèn tín hiệu giao thông... Thậm chí, nhiều người còn sơn, vẽ nội dung quảng cáo lên nhiều vách tường nơi công cộng. Chỉ sau 1 đêm, vách tường nhà xuất hiện chi chít các số điện thoại được viết bằng sơn đỏ, quảng cáo dịch vụ… thông cống, hút hầm cầu khiến nhiều khổ chủ bức xúc.
Nhiều địa phương thường huy động lực lượng thanh niên tình nguyện bóc gỡ, tẩy xóa các mẫu quảng cáo tại nơi công cộng... để rồi đâu lại vào đấy. Việc này cho thấy để giải quyết nạn “rác” quảng cáo không thể mãi ra quân dọn “rác”, mà phải có giải pháp ngăn chặn triệt để hành vi này.
Thực hiện Nghị định 28/2017, các cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm minh, kịp thời đối với chủ thể là người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xuất hiện trong quảng cáo rác. Việc xác định, tìm ra chủ thể để xử phạt không quá khó, bởi các tờ rơi, quảng cáo trên tường đều thể hiện rõ địa chỉ liên lạc, số điện thoại, loại hình kinh doanh của người thuê dán quảng cáo.
M.NHÂN