Quần đảo Cát Bà được tái đề cử di sản thiên nhiên thế giới
Trong khuôn khổ liên kết với Di sản vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần đảo Cát Bà của TP Hải Phòng một lần nữa được lập hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới.
Quần đảo Cát Bà sở hữu những giá trị ngoại hạng về đa dạng sinh học đã được công nhận.
Không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, quần đảo Cát Bà là khu vực có đa dạng sinh học bậc nhất của các vùng biển Việt Nam, là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Mặc dù có diện tích tự nhiên chỉ hơn 320 km2 với 388 hòn đảo nhưng có tới hơn 3.800 loài động thực vật, trong đó có nhiều loại động thực vật đặc hữu quý hiếm trong sách đỏ, các hệ sinh thái độc đáo.
Cát Bà nằm trong cùng tổng thể và có mối liên kết chặt chẽ về địa lý và hệ sinh thái với vịnh Hạ Long. Cơ hội trở thành Di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long hứa hẹn tạo ra cơ hội bảo tồn, phát triển bền vững của khu dự trữ sinh quyển này, đưa du lịch Cát Bà tiếp tục cất cánh.
Ông Nguyễn Anh Tuân, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hải Phòng cho rằng: “Thực tế, Cát Bà và Hạ Long là một quần thể chung. Hạ Long sẽ khó được chấp nhận nếu trình UNESCO riêng về Đa dạng sinh học khi bên cạnh là một vùng mang tính đa dạng sinh học cao như Cát Bà. Nếu như Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Cát Bà được công nhận thì chúng ta sẽ có một khu di sản mới, rộng lớn hơn, nhiều giá trị hơn, giúp chúng ta quản lý, bảo tồn những giá trị của vịnh Hạ Long - Cát Bà tốt hơn”.
Tiến độ chuẩn bị hồ sơ tái đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mở rộng sang quần đảo Cát Bà đã được cập nhật trong cuộc họp Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN tổ chức mới đây. Theo đó, từ tháng 1.2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi thông tin khu di sản mở rộng lên Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO để đưa vào Danh sách các khu di sản dự kiến. UBND TP Hải Phòng sẽ chuẩn bị hồ sơ tái đề cử và nộp bản dự thảo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UNESCO vào tháng 9.2017. Bản hồ sơ cuối cùng sẽ được nộp vào ngày 1.2.2018.
Đại diện Viện Tài nguyên và môi trường biển, PGS. TS Đỗ Công Thung cho rằng: “Tiếp theo ngoài những gì đã làm được, phải tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước có trình độ để giúp thành lập hồ sơ, phải khảo sát bổ sung đa dạng sinh học vịnh Hạ Long, bổ sung cảnh quan sinh thái, địa chất địa mạo quần đảo Cát Bà. Đề nghị IUCN Việt Nam hỗ trợ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông quốc tế”.
Tuy vậy, cũng tại cuộc họp, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, vấn đề tăng cường quản lý bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới là thách thức đặc biệt quan trọng. Đánh giá cao nỗ lực của Quảng Ninh và Hải Phòng trong việc cùng liên kết di sản không giới hạn ranh giới, đại diện UNESCO cũng lo ngại vấn đề hợp tác quản lý, các dự án đang triển khai sẽ tác động đến vùng lõi của di sản. Với các quy định rất khắt khe về bảo tồn các giá trị thiên nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc UNESCO xem xét công nhận Di sản trong thời gian tới./.
Theo Trường Giang (VOV-Đông Bắc)