Nhật Bản thúc đẩy hợp tác công nghệ quốc phòng với châu Âu
Nhật Bản đang đẩy mạnh việc hoàn tất các hiệp ước về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng với Italy, Đức và Thụy Điển, động thái nhằm giúp Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiếp cận công nghệ tiên tiến của những nước nói trên.
Leopard 2 - xe tăng chiến đấu chủ lực của Đức.
Các hiệp ước trên quy định, việc sử dụng những thiết bị được liên doanh sản xuất cho những mục đích nằm ngoài thỏa thuận hoặc chuyển giao thiết bị cho bên thứ ba phải được sự đồng ý trước của các nước thành viên khác trong hiệp ước.
Nhật Bản đã ký kết các hiệp ước tương tự với Mỹ, Úc, Ấn Độ, Philippines, Anh và Pháp.
Dự kiến cuối tháng 5 này, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Roberta Pinotti sẽ sang Nhật để có cuộc đàm phán với người đồng cấp Tomomi Inada nhằm sớm hoàn tất hiệp định.
Italy là một quốc gia biển và sở hữu công nghệ súng hải quân cũng như radar trang bị cho tàu thuyền và máy bay tuần tra hiện đại.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Đức cũng đang diễn ra. Đức là quốc gia châu Âu mạnh về thiết bị quân sự trên mặt đất Súng thùng trang bị cho xe tăng Type-90 đang được Lực lượng tự vệ trên mặt đất Nhật Bản sử dụng do một công ty của Đức sản xuất. Trong khi đó, các xe tăng do Nhật Bản sản xuất có ưu điểm vượt trội hơn về tính di động và tăng tốc. Hai nước có ý định cùng hợp tác để phát triển một loại xe tăng mới.
Nhật Bản cũng rất quan tâm tới công nghệ động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập của Thụy Điển. Công nghệ này giúp các tàu ngầm duy trì hoạt động dưới nước trong một thời gian dài. Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn hợp tác với Thụy Điển để tiếp cận công nghệ mới này.
Đề cập tới tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đều bày tỏ quan điểm ủng hộ các nước tuân thủ những quy tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế và không chấp nhận việc bất kì quốc gia nào có mưu đồ thay đổi hiện trạng trong khu vực bằng vũ lực. Tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và châu Âu cũng được xem là một giải pháp nhằm đối phó với Trung Quốc, nước đang tăng cường hiện diện quân sự trên các vùng biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hồng Hà (Theo Nikkei)