Xây nhà trên đất nông nghiệp tại xã Ân Tường Tây (Hoài Ân): Cần sớm giải quyết dứt điểm
Nhiều hộ dân ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) nhận khoán đất nông nghiệp để canh tác, sản xuất, nhưng gần đây lại tự ý chuyển nhượng đất, xây nhà ở.
Nhiều căn nhà xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Xây nhà trên đất nông nghiệp
Theo phản ảnh của người dân ở thôn Tân Thịnh, nhiều gia đình trước đây nhận khoán đất nông nghiệp thuộc Lâm nông trường Hoài Ân để canh tác, sản xuất, nhưng 2 - 3 năm trở lại đây lại tự ý chuyển nhượng đất và xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Linh, ở thôn Tân Thịnh, đã phản ánh trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Tấn Cường (trú cùng thôn): Năm 1998, hộ ông Cường ký hợp đồng nhận khoán với Lâm nông trường Hoài Ân 0,58 ha đất nông nghiệp (thuộc khoảnh 1, tiểu khu 130) chăm sóc cây điều và trồng chè trong thời hạn 50 năm (từ năm 1998 đến năm 2048). Thế nhưng hiện nay, trên phần đất này đã mọc lên 1 căn nhà ở và 1 quán bán nước. Ông Linh nói thêm: “Dù là đất nông nghiệp, nhưng ông Cường tự phân lô, xây 1 căn nhà cho con, phần còn lại bán cho các ông Binh, Phòng, Trung và bà Thao mỗi người 1 lô. Tôi đã gửi đơn phản ảnh vụ việc lên UBND xã Ân Tường Tây và ngành chức năng huyện Hoài Ân, nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp, các ngành kiểm tra, xử lý”.
Trong khi đó, ông Cường cho rằng: “Hoàn toàn không có chuyện bán đất cho người khác như ông Linh khiếu nại, mà tôi chỉ phân lô để chia đất cho các con canh tác, sản xuất. Năm 2016, gia đình tôi có xây 1 căn nhà cho con gái ở, rồi sau đó cho một người cháu trai một thửa đất khác để dựng quán bán nước. Tôi biết việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là không đúng quy định, nhưng tại khu vực này, tất cả các hộ nhận khoán đều xây dựng nhà ở kiên cố”.
Được biết, thời điểm năm 1998, ngoài ông Cường, còn có trên 10 hộ dân khác trong thôn cũng nhận khoán tương tự với Lâm nông trường Hoài Ân tại tiểu khu 130 với tổng diện tích hơn 8ha (0,5 - 1ha/hộ). Sau khi Lâm nông trường này chuyển đổi thành đơn vị khác, các hộ tiếp tục canh tác, sản xuất trên phần đất này. Do cây điều không có hiệu quả kinh tế, các hộ hiện đều chuyển qua trồng keo; một số hộ chuyển nhượng đất cho người khác. Những năm gần đây, nhiều hộ đã tự ý xây dựng nhà ở. Hàng chục căn nhà kiên cố đã mọc lên và hiện vẫn còn tiếp tục; trong khi toàn bộ khu vực này là đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, cho rằng: “UBND xã không có trách nhiệm quản lý diện tích đất trước đây Lâm nông trường Hoài Ân đã giao khoán cho người dân. Việc quản lý đất thuộc trách nhiệm của các hộ?!”.
Lãnh đạo UBND xã “né” báo chí
Sáng 9.5, PV Báo Bình Ðịnh gặp ông Nguyễn Minh Phận, cán bộ địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường xã Ân Tường Tây để tìm hiểu rõ hơn vụ việc, nhưng ông Phận từ chối và hẹn PV quay lại vào buổi chiều để gặp lãnh đạo UBND xã; lãnh đạo xã cho phép thì ông mới làm việc. Tuy nhiên, từ buổi chiều 9.5 đến sáng hôm sau (10.5), ông Phận đều tránh mặt, từ chối cung cấp thông tin vì “Chủ tịch xã chưa cho phép; chỉ khi nào Chủ tịch xã cho phép và định hướng cách trả lời thì mới làm việc với PV”- như ông Phận trả lời PV vào sáng 10.5.
Ngược lại, ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Ân, khẳng định: “Việc quản lý đất khu vực nằm trong phạm vi của Lâm nông trường Hoài Ân trước đây thuộc trách nhiệm UBND xã Ân Tường Tây. Chính sự lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương dẫn đến việc nhiều người tự ý chuyển nhượng, xây dựng nhà trên đất thuộc diện giao khoán để sản xuất. Đây là việc làm không đúng pháp luật, bởi nhận khoán quản lý, chăm sóc tài sản có trên đất (cây điều) chứ không phải là giao quyền sử dụng đất, nên các hộ không được mua bán, cho, tặng và xây dựng công trình nhà ở”.
Ông Rô cũng cho biết thêm, tình trạng này diễn ra nhiều năm, qua các nhiệm kỳ lãnh đạo tại xã Ân Tường Tây. Qua kiểm tra, rà soát, khu vực người dân xây dựng công trình nhà ở phù hợp với quy hoạch khu dân cư. Sắp tới, Phòng TN-MT sẽ tham mưu UBND huyện Hoài Ân đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân; lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý đất đai, xây dựng tại xã Ân Tường Tây.
VĂN LỰC