Ðào tạo lực lượng diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống: Từ những nỗ lực phối hợp, gắn kết
Mấy chục năm qua, Trường Trung cấp VHNT tỉnh, Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh và Nhà hát tuồng Ðào Tấn đã cùng nhau xây dựng, gìn giữ và phát huy giá trị mối quan hệ đặc biệt trong vấn đề tìm kiếm, đào tạo bổ sung lực lượng diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà.
Sự phối hợp giữa Trường Trung cấp VHNT tỉnh với Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình, Nhà hát tuồng Đào Tấn đồng bộ từ khâu tuyển sinh đầu vào, truyền dạy đến việc tạo điều kiện giải quyết đầu ra cho người học.
Các học viên lớp Dân ca - Bài chòi khóa 6 biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Trung cấp VHNT tỉnh.
1.
Trong đó, hai lớp đào tạo trung cấp nghệ thuật Tuồng (khóa 7) và trung cấp Dân ca - Bài chòi (khóa 6) gần đây càng thể hiện rõ nỗ lực gắn kết ấy. Sau cả chục năm bị gián đoạn do Trường không tuyển sinh được người học các ngành nghệ thuật truyền thống, Ban giám hiệu nhà trường họp bàn với lãnh đạo hai đơn vị nghệ thuật cùng quyết tâm tìm kiếm cho được người học. Và cả ba đơn vị cùng xem đây là động lực quan trọng góp phần gầy dựng lực lượng kế thừa, để giữ gìn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quý báu của Bình Định.
Bà Trịnh Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT tỉnh, cho biết: “Cán bộ, giáo viên và nghệ sĩ của 3 đơn vị đã đi đến các địa phương trong tỉnh, cùng tìm kiếm tuyển sinh. Nhưng ban đầu, số lượng còn ít. Chúng tôi lại bàn nhau, tiếp tục nỗ lực vận động gia đình các nghệ sĩ, nghệ nhân cho con em họ theo học. Nhờ vậy, trong số 37 học viên tuyển sinh được của hai lớp trung cấp nghệ thuật Tuồng, Dân ca - Bài chòi khai giảng vào cuối tháng 10.2015, chiếm hơn một nửa là con em trong nghề. Nhờ có nền tảng ban đầu nên việc theo đuổi chuyện học thuận lợi hơn”.
2.
Việc đào tạo nghệ thuật luôn cần sự liên kết với nhiều đối tác. Ở môi trường đào tạo như Trường Trung cấp VHNT tỉnh, ngoài lực lượng giáo viên của nhà trường, việc truyền dạy buộc phải có những nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công giàu kinh nghiệm biểu diễn, tham gia truyền dạy. Phải có sự gắn kết đó, kết quả đào tạo mới cao. Bởi vậy, Trường luôn quan tâm mời các thế hệ nghệ sĩ, nhạc công bậc thầy của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn cùng cộng tác, tận tâm truyền dạy cho học trò.
Hiện ở lớp Dân ca - Bài chòi, ngoài bà Trịnh Thị Cúc chịu trách nhiệm giảng dạy về kỹ thuật hát cơ bản, còn có NSND Hoài Huệ, NSND Hồ Thu (cũng là cựu học viên khóa 1 Dân ca - Bài chòi của Trường) tham gia truyền dạy vai diễn, NSƯT Đinh Văn Nhân dạy nhạc công. Ở lớp Tuồng thì có sự tham gia đứng lớp của NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo, NSND Xuân Hợi, nghệ sĩ Đoàn Thanh Tâm.
NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, chia sẻ: “Bắt đầu từ các lớp Dân ca - Bài chòi từ khóa 2 đến hiện nay là khóa 6 thì Trường và Đoàn luôn gắn kết song hành từ khâu tuyển sinh, cùng lên phác thảo chương trình đào tạo, hỗ trợ các học viên thi báo cáo... rồi tạo điều kiện cho nhiều em sau khi tốt nghiệp về công tác tại Đoàn. Hiện nay, lực lượng diễn viên, nhạc công của Đoàn có đầy đủ các lứa học viên lớp Dân ca - Bài chòi từ khóa 1 đến khóa 5 đang tích cực cống hiến”.
3.
Mặc dù có nhiều nỗ lực phối hợp tìm kiếm, đào tạo nhưng công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại cần được sớm giải quyết. Trong đó, điều quan trọng là làm sao có thêm nhiều hình thức thu hút học viên, người học sau đó có thể gắn bó lâu dài với nghề.
Giữa tháng 3.2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã có buổi làm việc với Trường Trung cấp VHNT tỉnh về tình hình hoạt động của nhà trường. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Trường Trung cấp VHNT tỉnh về việc “Nghiên cứu xây dựng Đề án thu hút các đối tượng học nghệ thuật sân khấu Tuồng và Bài chòi báo cáo Sở VH-TT trước khi trình UBND tỉnh”, đồng thời có kế hoạch tiếp tục phối hợp hiệu quả với Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định trong công tác đào tạo diễn viên, nhạc công.
Hiệu trưởng Trịnh Thị Cúc cho biết: “Việc xây dựng Đề án cần được thực hiện trên cơ sở nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm đối với việc bảo tồn các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi sẽ tiến hành từng bước trên cơ sở bám sát tình hình thực tế phối hợp đào tạo trong nhiều năm qua. Theo định hướng chung, Đề án sẽ tập trung vào việc đề xuất các hình thức phù hợp nhằm nhân rộng giới thiệu, giảng dạy về dân ca, bài chòi ở các trường phổ thông. Qua đó, có thể hy vọng tạo được nguồn cho công tác tuyển sinh sau này. Một vấn đề quan trọng khác là cần quan tâm chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ hợp lý hơn đối với cả người truyền dạy và người học nghệ thuật truyền thống mang tính chất đặc thù”.
HOÀI THU