Sản xuất phân compost từ rác thải: Tắc từ đầu vào đến đầu ra
Sản xuất phân compost từ rác thải hữu cơ là một chủ trương được Nhà nước khuyến khích vì góp phần bảo vệ môi trường. Tại Bình Ðịnh, hiện có 3 cơ sở tái chế rác hữu cơ thành phân compost, song hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp vì vấp phải nhiều khó khăn từ đầu vào cho đến đầu ra.
Đóng gói sản phẩm phân compost tại cơ sở ở Nhơn Phú.
Bộn bề khó khăn
Ngay từ khâu đầu tiên trong chuỗi dây chuyền sản xuất phân compost từ rác hữu cơ đã vấp phải khó khăn do nguyên liệu đầu vào thấp về lượng lẫn chất. Xí nghiệp Chế biến rác thải (CBRT) Long Mỹ thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn có công suất thiết kế 250 tấn/ngày, nhưng từ khi đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay chưa khi nào đạt tới 15% công suất vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Khi chương trình phân loại rác tại nguồn được triển khai, lượng rác hữu cơ dùng để sản xuất phân compost của xí nghiệp dù tăng 20 tấn/ngày so với trước nhưng cũng chỉ đạt 34 tấn/ngày.
Ông Trần Hữu Chí, quản lý cơ sở xử lý chất thải rắn và sản xuất phân compost dựa vào cộng đồng ở phường Nhơn Phú, cho biết, thành phần hữu cơ trong rác thải do cơ sở thu gom chỉ chiếm 22%. Còn theo ông Trần Thái Hùng, Giám đốc Công ty TNHH CBRT Duy Anh tại huyện Hoài Nhơn, con số này tại nhà máy xử lý và CBRT sinh hoạt của công ty là 40%. Điều này đòi hỏi các cơ sở sản xuất phân compost phải đầu tư công nghệ phức tạp, tốn kém và nhân công để tách các thành phần không phải là hữu cơ ra khỏi nguyên liệu.
Việc tiêu thụ phân compost cũng còn hạn chế vì nông dân chưa quen dùng loại phân này. Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn từng quảng cáo giới thiệu sản phẩm phân compost cho người trồng cà phê tại Gia Lai, Đắk Lắk nhưng không cạnh tranh nổi với nhiều loại phân nhập ngoại. Công ty Duy Anh bắt đầu sản xuất phân compost từ tháng 2.2015 nhưng đến cuối năm 2015 thì tạm ngưng vì một số lý do, trong đó có nguyên nhân khó khăn về đầu ra.
Giá bán phân của cả 3 đơn vị trên đều thấp hơn giá thành, nên bị thua lỗ hoặc may mắn thu vừa đủ bù chi với điều kiện còn nguồn hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau của nhà nước hay tổ chức tài trợ khác. Cụ thể, giá thành sản xuất phân của Xí nghiệp CBRT Long Mỹ khoảng 5.000 đồng/kg nhưng bán ra chỉ 650 đồng/kg; TP Quy Nhơn phải chi ngân sách hỗ trợ cho xí nghiệp. Còn nhà máy của Công ty Duy Anh “từ khi đi vào hoạt động cho đến nay chưa từng biết đến đồng lãi nào và cũng chưa khấu hao được đồng nào. Chúng tôi chỉ mong huề vốn mà còn khó, dù rất tâm huyết với công tác môi trường” - ông Trần Thái Hùng chia sẻ.
Cần có chính sách cụ thể
UBND TP Quy Nhơn đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chương trình đồng bộ về xử lý chất thải rắn đồng thời ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện các dự án liên quan đến phân loại rác tại nguồn và xử lý chất thải rắn.
Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng, triển khai dự án và tổng kết, đánh giá mô hình phù hợp với địa phương để áp dụng hiệu quả sáng kiến biến rác thải thành tài nguyên (hướng dẫn mục đích sử dụng rác thải, công nghệ phù hợp, quy mô áp dụng cho địa phương).
Về phía các đơn vị sản xuất phân compost, ông Trần Thái Hùng bày tỏ: “Chúng tôi mong tỉnh cho phép công ty được thỏa thuận phí thu gom rác với người dân vì hiện nay mức phí thu gom bị khống chế quá thấp, không đủ bù chi phí; trong khi công ty là đơn vị tư nhân, không được hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí hoạt động. Chúng tôi cũng mong tỉnh chỉ đạo các chương trình, dự án phủ xanh đất trống đồi trọc sử dụng phân compost sản xuất từ rác hữu cơ để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra sản phẩm”.
TỐ UYÊN