Những kỷ vật Bình Ðịnh với Bác Hồ
Bình Định là nơi Bác từng dừng chân, sống và làm việc một thời gian trong những ngày bôn ba tìm đường cứu nước. Cách đây nhiều năm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã thành lập phòng trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với nhân dân Bình Định - Nhân dân Bình Định với Bác Hồ”. Đến nay, đây vẫn là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng và thường xuyên được bổ sung tư liệu, hiện vật.
Trong số rất nhiều những hình ảnh tư liệu, hiện vật được trưng bày, có không ít là tư liệu, hiện vật gốc, mang ý nghĩa rất sâu sắc về tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác.
Có thể kể đến đôi bài vị thờ Bác của bà Phạm Thị Đời ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn lập để kín đáo thờ Bác trong những năm tháng chiến tranh (ảnh 1). Với tấm lòng thành kính của mình đối với vị Cha già dân tộc, khi nghe Bác mất, bà đã nhờ người viết hộ bằng chữ Hán trên 2 tấm bài vị, một tấm ghi “Nguyễn Ái Quốc”, tấm kia ghi “Hồ Chí Minh” để trên bàn thờ, đêm đêm hương khói thờ phụng Bác.
Ảnh 1
Đó còn là tấm gỗ lim, một trong những tấm gỗ mà đồng bào Vĩnh Thạnh đã khai thác, vận chuyển ra Bắc vào năm 1974 để góp phần xây Lăng Bác Hồ là một trong rất nhiều minh chứng cụ thể về tấm lòng của người Bình Định đối với Bác.
Đó là ảnh chụp bà Nguyễn Thị Thế Ngân (người Phước Sơn, Tuy Phước) - một người con Bình Định có may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ - vinh dự đứng cạnh Bác trong bức ảnh Bác chụp với đoàn đại biểu dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ (tháng 11.1964, tại Hà Nội).
Đó là ảnh hai thiếu nhi Tam Quan, huyện Hoài Nhơn thay mặt thiếu nhi Liên khu V dâng tặng Bác Hồ bức tranh thêu “Nam - Bắc một nhà” lúc Bác đến thăm Trường học sinh miền Nam năm 1958.
Ngoài ra, có những kỷ vật Bác tặng cũng được những người con Bình Định trân trọng và cất giữ. Đáng chú ý là chiếc áo khoác bằng nỉ Bác tặng cho đồng chí Huỳnh Đăng Thơ đang được trưng bày ở Bảo tàng (ảnh 2 - đồng chí Huỳnh Đăng Thơ chính là một trong những người sáng lập ra Chi bộ Hồng Lĩnh, tiền thân của Đảng bộ An Nhơn).
Ảnh 2
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ tập kết ra Bắc, công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch, làm nhiệm vụ giữ con dấu và chữ ký khắc mộc của Hồ Chủ tịch cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1955, vào một ngày giá rét của miền Bắc, biết đồng chí Thơ chưa quen với cái rét của miền Bắc nên Bác đã tặng đồng chí một chiếc áo khoác bằng nỉ. Chiếc áo khoác này Bác từng mặc trong thời gian hoạt động ở Pắc Bó (tháng 2.1951). Chiếc áo được đồng chí Huỳnh Đăng Thơ trân trọng gìn giữ, sau giải phóng trở về quê hương đồng chí đã giao lại kỷ vật này cho Bảo tàng tỉnh trưng bày và phát huy giá trị hiện vật.
Có thể nói, Bình Định là một trong số không nhiều những tỉnh có bảo tàng (cấp tỉnh) dành hẳn một phòng lớn trưng bày chuyên đề về Bác Hồ. Qua đó càng khắc ghi sâu sắc tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ.
NGUYÊN VIỆT