Trung Quốc ráo riết vận động tài chính cho “Con đường Tơ lụa” mới
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cho biết, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà cho vay quốc tế, nhằm thu hẹp khoảng cách về tài chính cho các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Theo ông Yi, hiện cơ sở hạ tầng và các dự án khác tại các nước thuộc sáng kiến này có “nhu cầu cao” về vốn, nên việc hỗ trợ của quốc tế là “cực kỳ cần thiết”.
Lời kêu gọi này được đưa ra trước thềm Diễn đàn “Vành đai và Con đường” diễn ra vào ngày 14-15.5. Lãnh đạo 29 quốc gia và khu vực sẽ tham dự sự kiện này tại Bắc Kinh.
Nhu cầu tài chính
Mặc dù sáng kiến này được cho là nhằm tăng tốc phát triển của châu Á, châu Âu và châu Phi, nhưng Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, từ nay cho đến năm 2030 chỉ riêng châu Á cần khoảng 26 ngàn tỉ đô la Mỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Theo Tân Hoa Xã, kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc khởi xướng đề xuất này vào năm 2013, nước này đầu tư hơn 50 tỉ đô la Mỹ tại các nước thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc Pan Guangwei nói rằng, nhiều dự án cơ sở hạ tầng có tính lâu dài và cần số vốn đầu tư lớn; vì vậy, rất cần sự đầu tư từ hệ thống ngân hàng chính sách, các nhà cho vay và thể chế tài chính quốc tế để đảm bảo sự ổn định tài chính.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rất khó để thuyết phục các đối tác toàn cầu tham gia vào dự án “Vành đai và Con đường”, trong bối cảnh nhiều dự án thuộc sáng kiến này còn gây nhiều nghi ngại.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng, sáng kiến này chủ yếu nhằm phục vụ cho việc tạo dựng ảnh hưởng của Trung Quốc, thay vì đem lại lợi ích chung. Do đó, ít nhà đầu tư quốc tế có động thái quan tâm.
Theo giáo sư Zhao Xijun, thuộc Đại học Renmin (Trung Quốc), để thu hút sự quan tâm đến sáng kiến này, Bắc Kinh nên nói rõ mục đích cũng như công khai các danh sách dự án và giới thiệu một số lợi ích trong các dự án này.
“Vành đai và Con đường” là gì?
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có hai nhánh chính: một là “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” (Vành đai); hai là “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” (Con đường).
“Con đường” trong sáng kiến này thực ra là tuyến đường biển nối liền Trung Quốc với Đông Phi và Địa Trung Hải, trong khi “Vành đai” là một loạt hành lang trên bộ, kết nối Trung Quốc với châu Âu, thông qua Trung Á và Trung Đông.
Theo nhà nghiên cứu Peter Cai, truyền thông Trung Quốc không giải thích được cho thế giới hiểu khái niệm này.
Sáng kiến này bắt đầu như thế nào?
Tháng 9.2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tại một trường đại học ở Kazakhstan, trong đó đề cập đến việc thành lập “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa”. Sau đó, sáng kiến này chính thức được khởi xướng.
Từ đó đến nay, Bắc Kinh đạt được một số thành quả nhất định, trong số đó có thể kể đến hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỉ đô la Mỹ, dự án cảng biển trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ tại Sri Lanka, hay tuyến đường sắt cao tốc tại Indonesia.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau gần 4 năm phát động sáng kiến, hầu hết dự án vẫn còn trên giấy.
Tại sao sáng kiến này quan trọng với Trung Quốc?
Các nhà quan sát cho rằng, sáng kiến “Vành đai và Con đường” có một số mục đích chồng lấn nhau.
Trước hết, đây là một kế hoạch kinh tế nhằm tạo ra các thị trường mới cho hàng hóa và công nghệ Trung Quốc, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại, đồng thời cũng giúp xuất khẩu lượng xi măng và sắt thép đang thừa mứa tại Trung Quốc, bằng cách chuyển nhà máy đến các nước kém phát triển.
Bắc Kinh cũng hy vọng sáng kiến này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở những khu vực biên giới, như Tân Cương, với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, sáng kiến này còn là một nước cờ địa chính trị, nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, vào thời điểm Mỹ đang có động thái lùi bước tại châu Á.
Lê Quảng (theo SCMP, The Guardian)