Các đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi một loạt sắc thuế
Bộ Tài chính vừa có đề xuất nhiều chính sách thuế phí ưu đãi với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, còn được gọi là đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Một góc huyện Vân Đồn - Quảng Ninh.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị: Đối với các dự án đầu tư không thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư: Thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư (không bao gồm dự án đầu tư khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ ô tô): Thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Đối với thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh bất động sản được áp dụng thuế suất ưu đãi 17% (không áp dụng thời gian miễn, giảm thuế).
Còn thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế trong thời gian 5 năm nhưng không quá năm 2030 và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Về phí và lệ phí, Bộ Tài chính đề xuất: Phân cấp cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc địa phương có thẩm quyền quyết định về phí, lệ phí như hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Phương án 2 là thực hiện theo quy định của hiện hành Luật phí và lệ phí, theo đó việc quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng các khoản phí, lệ phí vẫn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Về thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề nghị: Nguyên liệu, vật tư linh kiện nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 7 năm (trừ dự án đầu tư khai thác khoáng sản, dự án sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt); nguyên liệu, vật tư, linh kiện mua trong nước để sản xuất thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Liên quan chính sách thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đề nghị không áp dụng cơ chế khu phi thuế quan đối với toàn địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vì sẽ khó khăn cho công tác quản lý do không có hàng rào cứng bao quanh dẫn đến việc lợi dụng chính sách thuế để gian lận thương mại và buôn lậu.
Cho nên Bộ Tài chính đề nghị chỉ thực hiện khu phi thuế quan tại một số nơi trên địa bàn như bến cảng, sân bay,... trong phạm vi khu hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tại khu phi thuế quan, chính sách bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch, cả người Việt Nam và người nước ngoài là được mua hàng miễn thuế nhập khẩu với tổng giá trị hàng hóa không quá 2 triệu đồng/người/ngày.
Ưu đãi này cao hơn so với chính sách hiện hành đang áp dụng cho cửa hàng bán hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu hiện hành là 1 triệu đồng/người/ngày.
Với khu thuế quan, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 7 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc miễn thuế nhập khẩu này không áp dụng với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Riêng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện thống nhất theo quy định của 2 luật này, bao gồm cả hàng hóa bán hàng miễn thuế nhập khẩu cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Có nghĩa, không có chính sách riêng về hai sắc thuế này cho Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong.
Theo Lương Bằng (VNN)